Chính quyền địa phương hai cấp tạo đòn bẩy cho HTX phát triển

Sự thay đổi được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tương tác và hỗ trợ trực tiếp giữa chính quyền cấp xã với các mô hình kinh tế tập thể. Với sự am hiểu về địa bàn, về từng hộ dân, cán bộ cấp xã có thể nhanh chóng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà tổ hợp tác, HTX đang gặp phải để kịp thời tư vấn và hỗ trợ...

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025, quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Nền tảng từ cơ chế

Tiếp đó là Thông tư số 43/2025/TT-BTC ngày 17/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về biểu mẫu sử dụng. Những văn bản pháp lý này được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi căn bản trong cách thức hoạt động của các tổ hợp tác (THT), HTX và liên hiệp HTX (LHHTX).

Sự thay đổi trọng tâm trong Nghị định 125/2025/NĐ-CP chính là việc chuyển giao một phần đáng kể các nhiệm vụ quản lý từ cấp huyện về cho cấp xã. Cụ thể, các công việc liên quan đến nhiệm vụ và thẩm quyền đăng ký của THT, HTX, LHHTX, vốn trước đây thuộc về Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo quy định của Nghị định số 92/2024/NĐ-CP, nay sẽ do Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã đảm nhiệm.

Mặc dù trình tự thủ tục tiếp nhận và giải quyết việc đăng ký vẫn được giữ nguyên theo Nghị định 92/2024/NĐ-CP, nhưng sự thay đổi về địa điểm thực hiện đã mang ý nghĩa lớn đối với không ít HTX vì có thể làm việc với cơ quan quản lý ở gần mình hơn.

Hơn thế nữa, Nghị định 125/2025/NĐ-CP còn quy định chuyển giao 05 nhiệm vụ quan trọng của UBND cấp huyện (theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP và Nghị định số 113/2024/NĐ-CP) cho UBND cấp xã thực hiện.

Tạo điều kiện để các HTX liên kết, phát triển chuỗi giá trị quy mô lớn.

Tạo điều kiện để các HTX liên kết, phát triển chuỗi giá trị quy mô lớn.

Mục tiêu xuyên suốt của những điều chỉnh này là nhằm tối đa hóa sự thuận tiện cho cả cơ quan quản lý nhà nước và chính các THT, HTX, LHHTX trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Sự phân cấp này được nhận định là phù hợp với bản chất của mô hình kinh tế tập thể, thường là các đơn vị kinh tế nhỏ, hoạt động gắn liền với địa bàn dân cư. Đồng thời, sự phân cấp này giúp khai thác được năng lực sẵn có của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, giúp tăng cường vai trò chủ động, gần gũi của cấp xã với người dân, HTX, THT, LHHTX.

Nhìn từ góc độ của các THT, HTX, LHHTX, việc phân cấp mạnh mẽ cho cấp xã được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cánh cửa cơ hội mới. Đầu tiên và dễ thấy nhất, đó là sự giảm thiểu đáng kể về thời gian và chi phí đi lại.

Thay vì phải đến trụ sở cấp huyện, giờ đây bà con nông dân, thành viên HTX có thể thuận lợi hơn trong việc hoàn tất các thủ tục ngay tại xã, nơi họ sinh sống và làm việc. Điều này không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn cả công sức và thời gian.

Đặc biệt, sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tương tác và hỗ trợ trực tiếp giữa chính quyền cấp xã với các mô hình kinh tế tập thể. Với sự am hiểu về địa bàn, về từng hộ dân, cán bộ cấp xã có thể nhanh chóng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà THT, HTX đang gặp phải để kịp thời tư vấn và hỗ trợ.

Củng cố, nâng cao năng lực

Có thể thấy rằng, những cơ hội mà chính sách mới mang lại cho kinh tế tập thể, HTX là rất rõ nét. Một quy trình đăng ký nhanh gọn hơn chắc chắn sẽ là động lực lớn cho các HTX hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động ngay tại cấp xã sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các THT, HTX mới thành lập hoặc cần điều chỉnh thông tin đăng ký. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nơi tốc độ và sự linh hoạt trong thủ tục hành chính có thể quyết định sự thành bại.

Như chia sẻ của các thành viên HTX chè Fìn Hồ, sau gộp xã, bỏ cấp huyện, cơ hội mới trong sản xuất kinh doanh sẽ rõ hơn, nhất là về mặt thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ lớn giúp HTX tăng số khách hàng tiềm năng. HTX cũng dễ dàng tiếp cận hợp tác liên vùng, phát triển chuỗi cung ứng lớn hơn.

Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin và các nguồn hỗ trợ đối với HTX có thể sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi các nhiệm vụ quản lý được chuyển về cấp xã, HTX sẽ thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các thông tin về chính sách, pháp luật mới, cũng như nhận được sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ cán bộ cấp xã một cách kịp thời và sát sao. Điều này sẽ giúp HTX nắm bắt cơ hội, tránh được rủi ro không đáng có.

Theo các chuyên gia, khi thực hiện sáp nhập và vận hành mô hình chính quyền hai cấp với thủ tục đơn giản và sự hỗ trợ gần gũi từ cấp cơ sở sẽ khuyến khích hình thành và phát triển các THT, HTX, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Anh Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông, Tiền Giang (cũ) từng lo lắng khi bỏ cấp huyện và gộp nhiều xã lại với nhau, HTX không biết có còn được ưu đãi không. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng nếu 3 xã gom lại thành 1 xã cũng có thể đi cùng với việc 3 HTX cũ gộp lại thành một HTX mới. Và lúc này, mô hình HTX mới sẽ mạnh hơn về quy mô tài chính, vận hành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, tiếp thị, và hưởng lợi từ chính sách tập trung.

Và để có được điều này, mô hình HTX sau khi sáp nhập cũng phải làm thật, thực hiện tinh gọn bộ máy, chứ không chỉ đơn giản là thành lập để đủ tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới. “Nếu không, chính HTX sẽ bị đào thải”, Giám đốc HTX Tân Hòa Đông chia sẻ.

Thực tế, việc sáp nhập mô hình HTX đã có từ trước khi Nhà nước thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Ví dụ tại Phú Yên trước đây, HTX Hòa Xuân Tây 1 sáp nhập vào HTX Hòa Xuân Tây 2, từ đó tăng vốn điều lệ, nhân lực và năng lực cung ứng dịch vụ – trở thành HTX duy nhất trên một địa bàn xã. Và theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Phú Yên (cũ), sau khi sáp nhập, HTX mới được hưởng lợi từ việc xã tổ chức đào tạo bài bản, sử dụng dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc vận hành chính quyền hai cấp trong thời gian đầu có thể khiến một số HTX bỡ ngỡ, áp lực. Ngay như chương trình OCOP, một số cấp tỉnh sẽ phải “căng mình” khi phải tiếp nhận, đánh giá hàng trăm sản phẩm từ các HTX tại các xã. Cấp xã trở thành “chân trụ” mới nhưng có thể một số địa phương lại thiếu cán bộ có kỹ năng và thiếu công cụ để hỗ trợ HTX đang làm OCOP.

Do đó, nếu không tái cấu trúc mô hình triển khai, nhiều HTX làm OCOP rất dễ bị tắc nghẽn, chậm tiến độ, hoặc đánh giá qua loa.

Tuy nhiên, thực hiện chính quyền hai cấp cũng là cơ hội lớn cho HTX. Nếu chủ động, linh hoạt và cải tổ nội bộ, HTX hoàn toàn có thể vươn lên, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh chính quyền tinh gọn hơn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-tao-don-bay-cho-htx-phat-trien-1108010.html