Áp lực tỷ giá USD/VND chưa được giải tỏa
Sáng nay 10/7, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng 12 đồng so với sáng 9/7, niêm yết ở mức 25.131 VND/USD. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,03%, xuống mức 97,49. Biến số thuế quan, áp lực lãi suất… NHNN vẫn khó khăn trong hạ nhiệt tỷ giá khi một mặt giữ ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chênh lệch lãi suất và biến số thuế quan gây áp lực tỷ giá
Theo biên độ giao dịch ±5% được quy định của NHNN, tỷ giá trần hôm nay là 26.388 VND/USD, còn tỷ giá sàn là 23.874 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện là 23.914 - 26.324 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại các ngân hàng thương mại vào lúc 8 giờ 30 sáng nay, tỷ giá USD tại Vietcombank là 25.950 - 26.310 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với sáng ngày 9/7. Trong khi đó, giá USD giao dịch tại BIDV không đổi, vẫn ở mức 25.960 - 26.320 VND/USD (mua vào - bán ra). Như vậy, giá mua USD của các ngân hàng đã xuống dưới mức 26.000 đồng. Nhưng áp lực tỷ giá vẫn rất lớn.

Ảnh minh họa
Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ngày 9/7 giảm 0,03%, xuống mức 97,49. Từ đầu năm đến nay, USD Index (DXY) - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh - giảm 11%. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại tăng khoảng 3% trong cùng giai đoạn, có lúc giá bán ra ở mức đỉnh 26.345 đồng một USD. Không chỉ mất giá so với USD, tỷ giá tiền đồng so với yen Nhật hay Bảng Anh cũng tăng.
Đồng USD tiếp tục suy yếu, song tỷ giá USD/VND vẫn chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khối ngoại bán ròng là lý do VND giảm giá dù đồng USD yếu. "Khi duy trì mức lãi thấp, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ bị âm. Như vậy, cân đối cung cầu ngoại tệ biến động, các tổ chức sẽ chuyển đổi đồng tiền khác hấp dẫn hơn để nắm giữ”- ông Quang cho biết, thêm rằng cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định.
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán. Đồng thời cho biết thêm, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục trì hoãn giảm lãi suất, dựa trên dữ liệu lạm phát và thị trường lao động Mỹ, sẽ tác động đến biến động lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam.
Nhận định về xu hướng lãi suất - một trong những yếu tố chính tác động lên tỷ giá USD/VND, chuyên gia nghiên cứu VCBF cho rằng, kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm lại nhưng khả năng suy thoái cũng chưa thực sự rõ ràng, vì vậy, Fed không vội giảm lãi suất. Đó là lý do vì sao trong cuộc họp vừa rồi, Fed vẫn giữ quan điểm của mình là sẽ phải chờ và quan sát thêm.
Thực tế, tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực từ lo ngại thuế quan, nhu cầu ngoại tệ tăng và giá vàng biến động. Trong khi đó, thị trường duy trì tâm lý thận trọng khi chờ đợi kết quả đàm phán thương mại Việt - Mỹ.
Tỷ giá còn biến động
Ở nửa cuối năm, ông Phạm Chí Quang dự báo, tỷ giá chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Trump. "Kinh tế Việt Nam có độ mở cao, thị trường xuất khẩu lớn, nhất là sang Mỹ, nên chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất thời gian tới khi dòng vốn dịch chuyển giữa các quốc gia"- ông Quang nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, tỷ giá USD/VND còn biến động và cần được theo dõi chặt chẽ. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cần duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tiêu dùng và đầu tư, tăng cung tiền thông qua tín dụng, cũng ảnh hưởng đến tỷ giá. Về dài hạn, USD Index sẽ tiếp tục yếu đi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, NHNN vẫn đang ở vị thế cực kỳ khó khi một mặt giữ ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng là một yếu tố cố hữu. Khi nhập khẩu nhiều, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng, từ đó đẩy tỷ giá lên. “Về lạm phát, dù 6 tháng đầu năm đang được kiểm soát tốt ở mức 3,27% (dưới mục tiêu 4,5%), nhưng từ nay đến cuối năm, tình hình có thể khó kiểm soát hơn, và đây cũng là một yếu tố có thể đẩy tỷ giá tăng lên”- ông Hiếu nói.
Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng, ở nửa cuối năm, dự báo tỷ giá chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việt Nam có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rất lớn, đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời chính sách thuế quan của Mỹ cũng tác động mạnh tới các đối tác lớn của Việt Nam. Vì vậy, chính sách thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.
Lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này tiếp tục theo dõi sát sao lạm phát và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh biến động tỷ giá, đặc biệt giữa đồng Việt Nam và USD, có tác động trực tiếp đến chi phí nhập khẩu và nguồn thu từ xuất khẩu của doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu, nên cân nhắc việc mua các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn từ các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng đã ghi nhận, lượng khách hàng sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá tăng bình quân 30%/năm, thậm chí có giai đoạn gần gấp đôi, đặc biệt trong thời gian gần đây.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp cần theo dõi sát ba biến số: chính sách tiền tệ của Fed, tiến trình đàm phán thuế quan và cung - cầu ngoại tệ nội địa. Nếu các cuộc đàm phán thuế quan đạt kết quả tích cực sẽ tạo cú huých lớn cho ổn định tỷ giá, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý có dư địa giữ vững mặt bằng lãi suất.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-luc-ty-gia-usd-vnd-chua-duoc-giai-toa.765340.html