Chính sách hỗ trợ, động lực phát triển nông nghiệp

Sau 4 năm triển khai, thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện Mai Sơn phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Mô hình trồng na cho thu nhập cao của nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn

Mô hình trồng na cho thu nhập cao của nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn

Thành lập năm 2018, HTX nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, có 18 thành viên, sản xuất hơn 30 ha cây chanh leo và liên kết trồng gần 70 ha chanh leo với các hộ ở các xã Cò Nòi, Chiềng Lương và Phiêng Pằn. Năm 2020, HTX được hỗ trợ 260 triệu đồng theo chính sách của tỉnh để đầu tư hệ thống tưới ẩm và mua bao bì đóng gói sản phẩm.

Anh Lò Văn Sam, Giám đốc HTX cho biết: Từ 4 ha chanh leo được hỗ trợ ban đầu, đến nay, HTX đã lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho 10 ha. Nhờ đó, chi phí thuê nhân công giảm, năng suất đạt hơn 35 tấn quả/ha/năm, giá bán 48.000 đồng/kg loại 1 xuất khẩu, 15.000 đồng/kg loại 2 và 5.000-6.000 đồng/kg loại 3, trừ chi phí thu lãi khoảng 250-300 triệu đồng/ha. HTX đang phấn đấu áp dụng hệ thống tưới ẩm cho toàn bộ diện tích.

Thành viên HTX nông nghiệp Bảo Sam, huyện Mai Sơn, chăm sóc vườn chanh leo.

Thành viên HTX nông nghiệp Bảo Sam, huyện Mai Sơn, chăm sóc vườn chanh leo.

Còn HTX OhayO, xã Cò Nòi, trồng 30 ha na dai, na sầu riêng, na dứa và na hoàng hậu. Trước đây, do chưa được hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm quả của HTX chỉ bán cho thương lái tại vườn với giá rất thấp. Năm 2022, HTX được hỗ trợ 120 triệu đồng để đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao bì, nhãn mác, sản phẩm của HTX đã tạo dựng được uy tín trên thị trường.

Anh Trần Ngọc Bằng, Giám đốc HTX OhayO, chia sẻ: Năm 2023, HTX tiêu thụ hơn 200 tấn na; giá bán bình quân 35.000-100.000 đồng/kg tùy loại, thu nhập bình quân 400-600 triệu đồng/ha; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chính sách của tỉnh khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, huyện Mai Sơn có 87 lượt doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự; hỗ trợ nhãn mác, bao bì; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước..., với tổng kinh phí gần 5,3 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của nông dân.

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn

Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn

Hiện nay, huyện Mai Sơn có 184 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ trên 430 tỷ đồng. Việc triển khai chính sách hỗ trợ HTX phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giúp các HTX nông nghiệp chủ động liên kết sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Mai Sơn có trên 11.200 ha cây ăn quả các loại; trong đó, có 46 mã số vùng trồng cây ăn quả, tổng diện tích trên 1.200 ha; UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích 1.373,7 ha và trên 1.600 hộ tham gia liên kết sản xuất.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, chia sẻ: Việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND còn một số khó khăn, nhất là hồ sơ yêu cầu được hỗ trợ một số nội dung còn phức tạp, đòi hỏi phải được lập, thẩm định theo quy trình. Thủ tục được hỗ trợ phải qua nhiều bước, nhiều ngành, lĩnh vực thẩm định, nên các doanh nghiệp, HTX không làm hồ sơ đề xuất. Điều kiện hỗ trợ quy định tại nghị quyết yêu cầu quy mô lớn so với thực tế các dự án triển khai, trong khi năng lực đầu tư của các doanh nghiệp, HTX thường quy mô nhỏ, chưa đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ.

Sản phẩm na của nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi tiêu thụ

Sản phẩm na của nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi tiêu thụ

UBND huyện Mai Sơn kiến nghị với tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế hiện nay và giai đoạn 2025-2030. Trong đó, tập trung chính sách hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chinh-sach-ho-tro-dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-s0jKE6LIg.html