Chính sách năng lượng và giao thông xanh: 'Cặp bài trùng' cho phát triển bền vững
Giao thông xanh, với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đang trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các chính sách năng lượng và giao thông, được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo thống kê, ngành giao thông vận tải hiện chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng và đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,77% từ năm 2014 đến 2021. Để giảm thiểu tác động tiêu cực này, các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, chú trọng vào các công trình trọng điểm quốc gia và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển giao thông xanh, cần khuyến khách người dân sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường/Ảnh minh họa
Trước đó, vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mêtan trong ngành giao thông vận tải. Mục tiêu chính của chương trình là phát triển hệ thống giao thông xanh, phấn đấu đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đến năm 2050 bao gồm mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện và năng lượng xanh, cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng sạc điện trên toàn quốc.
Chương trình hành động này đề ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành giao thông vận tải quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, điện khí hóa đường sắt quốc gia, phát triển cảng xanh và chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh và bền vững là nền tảng thiết yếu. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới giao thông xanh, đồng thời cần nghiên cứu và ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ số trong lĩnh vực giao thông để tăng cường giám sát, phân tích và kiểm kê khí nhà kính.
Ngoài ra, khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường cũng là một yếu tố không thể thiếu. Từ năm 2020, thị trường xe điện tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với số lượng xe điện tăng từ 138 chiếc vào năm 2019 lên hơn 28.000 xe điện và 3.557 xe hybrid vào tháng 9 năm 2023. Dự báo đến năm 2028, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Xe điện hóa, đặc biệt là xe thuần điện và xe hybrid, đang ngày càng trở thành giải pháp thay thế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Xe thuần điện không phát thải trực tiếp, góp phần giảm ô nhiễm không khí hiệu quả. Các hãng xe trong nước và quốc tế liên tục giới thiệu các mẫu xe điện và hybrid, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng Việt Nam đối với các phương tiện giao thông xanh.
Các chuyên gia nhận định, việc khuyến khích tiêu dùng xe điện thuần túy là phù hợp với xu thế toàn cầu, tuy nhiên, cũng cần có các giải pháp khuyến khích sử dụng xe hybrid, vì cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ các quốc gia phát triển như giảm thuế, trợ cấp và xây dựng mạng lưới trạm sạc miễn phí là những bài học quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi, từ đó tạo thói quen sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường trong cộng đồng.

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PetroTimes, TS. Dư Văn Toán cho rằng, để hiện thực hóa chuyển đổi sang hệ thống giao thông xanh, Việt Nam cần thực hiện những chiến lược cụ thể nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng các lợi thế sẵn có.
Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng xanh. Chính phủ và các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ chuyển đổi sang năng lượng sạch, thiết lập các cơ sở lưu trữ và cung cấp nhiên liệu xanh như methanol, hydrogen hoặc amoniac. Điều này cũng đòi hỏi sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất nhiên liệu để xây dựng mạng lưới cung cấp đáng tin cậy.
Thứ hai là tham gia các hành lang vận chuyển xanh. Việt Nam có thể tận dụng sự tham gia trong các dự án hành lang vận chuyển xanh được phát triển theo Tuyên bố Clydebank. Việc tích hợp các tuyến hành lang biển nội địa và kết nối với quốc tế sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, phát triển đoàn tàu hiện đại để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, các doanh nghiệp vận tải cần ưu tiên đầu tư vào các tàu nhiên liệu kép hoặc tàu sử dụng năng lượng xanh. Đây là bước cụ thể góp phần giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Thứ tư là đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần tạo điều kiện khuyến khích các dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến nhiên liệu và công nghệ giảm khí thải. Các chương trình hợp tác quốc tế và đào tạo cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.
Cuối cùng là xây dựng chính sách hỗ trợ. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như trợ cấp, ưu đãi thuế cho các dự án liên quan đến phát triển nhiên liệu sạch. Cùng với đó, việc ban hành luật và chính sách bảo đảm các tiêu chuẩn khí nhà kính sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vận tải tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.
Với những chính sách và chiến lược đồng bộ, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển một hệ thống giao thông xanh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.