Chính sách thuế quan của ông Trump khiến nước Mỹ 'được vạ thì má đã sưng'?

Áp chính sách thuế quan cứng rắn để đưa nước Mỹ phát triển, ông Trump khiến không chỉ thế giới chao đảo mà nước Mỹ cũng tổn thương nghiêm trọng.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump áp thuế “đối ứng” với hàng loạt quốc gia trên thế giới, châu Á – một trong những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, bắt đầu gánh hậu quả. Nhưng chính nước Mỹ cũng không miễn nhiễm với cú sốc thương mại mà chính mình tạo ra.

Châu Á “lao đao”

Tháng 4/2025, ông Donald Trump – người từng đẩy Mỹ bước vào một cuộc chiến thương mại quy mô lớn trong nhiệm kỳ đầu, đã chính thức tái áp dụng hàng loạt chính sách thuế quan mới khi trở lại Nhà Trắng. Dưới thông điệp “bảo vệ việc làm Mỹ”, chính quyền Trump lần hai đã đánh thuế mạnh tay lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia, không phân biệt đồng minh hay đối thủ.

Trong đó, tại châu Á, Trung Quốc – đối thủ thương mại lớn nhất của Mỹ – là mục tiêu hàng đầu trong đợt áp thuế lần này. Washington đã áp mức thuế lên tới 145% đối với hầu hết hàng hóa công nghệ, thiết bị và nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tăng thuế 125% lên hàng hóa Mỹ, đồng thời đưa ra cảnh báo sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” nếu Mỹ tiếp tục leo thang.

Ông Trump công bố mức thuế đối ứng mới hồi đầu tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump công bố mức thuế đối ứng mới hồi đầu tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Các nhà kinh tế cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn cả thời kỳ 2018–2019. Khi hai siêu cường “ăn miếng trả miếng”, toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng Ukraine, lại một lần nữa đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Không chỉ Trung Quốc, hai đồng minh thân thiết của Mỹ và Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang dần “ngấm đòn” thuế quan.

Hàn Quốc, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ô tô, thép và điện tử, đã phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan.

Ngành công nghiệp ô tô của Hàn Quốc, với các thương hiệu lớn như Hyundai và Kia, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính quyền Trump đã đe dọa áp thuế lên xe hơi nhập khẩu từ Hàn Quốc, đặc biệt là đối với các mẫu xe không đáp ứng đủ yêu cầu về tỷ lệ sản xuất tại Mỹ. Mặc dù Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn Quốc (KORUS) vào năm 2018, cho phép các công ty Hàn Quốc sản xuất thêm xe tại Mỹ để tránh thuế, nhưng đây vẫn là một áp lực lớn đối với ngành ô tô Hàn Quốc.

Ngoài ra, Mỹ còn áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Điều này đã khiến các nhà sản xuất thép của Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì tính cạnh tranh tại thị trường Mỹ, đặc biệt khi họ phải chịu mức thuế cao hơn các đối thủ cạnh tranh nội địa của Mỹ và các quốc gia khác.

Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ. Các sản phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại di động và các linh kiện điện tử, đều bị tác động bởi các biện pháp thuế quan. Những rào cản thuế này đã khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần tại Mỹ, một trong những thị trường quan trọng nhất đối với ngành công nghệ.

Ngành xuất khẩu từ châu Á vào Mỹ đang gặp khó khăn do chính sách thuế quan mới. (Ảnh: Straits Times)

Ngành xuất khẩu từ châu Á vào Mỹ đang gặp khó khăn do chính sách thuế quan mới. (Ảnh: Straits Times)

Tương tự như vậy, ngành ô tô Nhật Bản, với những thương hiệu lớn như Toyota, Honda và Nissan, đã chịu tác động mạnh từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Chính quyền Trump đe dọa áp mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, làm gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc tăng cường sản xuất ô tô tại Mỹ, nhưng các biện pháp thuế này vẫn tạo ra sự bất ổn và khó khăn cho các công ty Nhật Bản.

Ngành thép Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ, khi thép Nhật Bản bị áp thuế 25%. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép Nhật Bản tại thị trường Mỹ, khiến các nhà sản xuất Nhật Bản phải tìm cách duy trì sản lượng và lợi nhuận trong bối cảnh giá thành gia tăng.

Các sản phẩm nông sản của Nhật Bản, bao gồm thịt bò, rượu sake và các thực phẩm chế biến sẵn, cũng bị ảnh hưởng bởi các mức thuế cao mà Mỹ áp dụng. Nhật Bản vốn là một trong những nhà xuất khẩu nông sản lớn, nhưng với những rào cản thuế quan mới này, các sản phẩm của Nhật Bản đã gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần tại Mỹ.

Châu Âu "ngấm đòn"

Quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đang đối mặt với làn sóng căng thẳng mới khi các biện pháp thuế quan của Mỹ bắt đầu gây tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực trụ cột như ô tô, thép – nhôm và công nghệ xanh.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục duy trì và mở rộng nhiều chính sách thương mại bảo hộ được khởi xướng từ thời ông Donald Trump. Đặc biệt, Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act – IRA) đã trở thành rào cản lớn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), với các ưu đãi thuế và trợ cấp chỉ dành cho sản phẩm sản xuất tại Mỹ hoặc các quốc gia có thỏa thuận thương mại đặc biệt.

Theo phân tích của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), chính sách IRA khiến các doanh nghiệp EU trong lĩnh vực xe điện, pin năng lượng và năng lượng tái tạo "đứng ngoài cuộc chơi" tại thị trường Mỹ, nơi vốn là một trong những điểm đến xuất khẩu lớn nhất của EU. “Khoảng 68% khoản đầu tư công nghệ xanh do IRA thúc đẩy đang đổ về các doanh nghiệp nội địa Mỹ hoặc đối tác Bắc Mỹ như Canada và Mexico”, báo cáo từ Kiel cho biết.

Ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt tại Đức, Pháp và Italy, cũng đang hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Năm 2024, xuất khẩu ô tô châu Âu sang Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ năm trước do các rào cản thuế và quy định mới liên quan đến quy tắc xuất xứ và linh kiện xe điện.

Trong khi đó, lĩnh vực kim loại tiếp tục bị "trừng phạt" bởi các mức thuế cao từ thời chính quyền Trump. Dù hai bên từng đạt được thỏa thuận tạm ngừng áp thuế toàn diện vào năm 2021, Mỹ vẫn giữ cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với thép và nhôm châu Âu. Eurofer – hiệp hội công nghiệp thép EU – cảnh báo cơ chế này làm gia tăng chi phí và khiến các doanh nghiệp thép EU mất tính cạnh tranh tại Mỹ.

Không dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp nặng, các mặt hàng nông sản và thực phẩm cao cấp như rượu vang, phô mai và ô liu cũng từng là nạn nhân của các biện pháp trả đũa thuế quan trong tranh chấp Airbus – Boeing. Dù tranh chấp đã được "đình chiến" tạm thời vào năm 2021, các nhà sản xuất nhỏ lẻ ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn thị phần tại Mỹ.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hồi tháng 3/2025, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không phản đối chính sách hỗ trợ công nghiệp của Mỹ, nhưng các biện pháp phân biệt đối xử gây tổn hại đến nguyên tắc cạnh tranh công bằng và mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương”.

Hiện EU đang đàm phán với Mỹ nhằm thiết lập “Hiệp định Thương mại Khoáng sản Quan trọng” (Critical Minerals Agreement) – một bước đi quan trọng giúp các công ty châu Âu được hưởng ưu đãi từ IRA. Tuy nhiên, tiến trình này còn vướng nhiều bất đồng kỹ thuật và lợi ích quốc gia.

Trong khi chưa có giải pháp toàn diện, các doanh nghiệp EU buộc phải điều chỉnh chiến lược – một số đã bắt đầu chuyển một phần sản xuất sang Bắc Mỹ để tiếp cận chính sách ưu đãi của Mỹ. Song với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là bài toán nan giải vì chi phí đầu tư ra nước ngoài quá lớn.

Kinh tế Mỹ tổn thương

Dù ông Trump khẳng định rằng Mỹ đang hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới, nhiều số liệu lại cho thấy điều ngược lại. Tăng trưởng GDP quý I/2025 của Mỹ đã giảm 0,3%, lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng âm kể từ năm 2022.

Chỉ số Nasdaq Composite mất hơn 10%, Dow Jones giảm 8%, và S&P 500 sụt 9% chỉ trong hai ngày 29–30/4 – sau khi gói thuế mới có hiệu lực. Giới đầu tư hoang mang vì chi phí sản xuất tăng, lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, trong khi thị trường tiêu dùng chưa thực sự phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa, đang bị “kẹp” giữa chi phí nhập khẩu linh kiện tăng cao và nhu cầu tiêu dùng yếu. Một số nhà sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô cảnh báo có thể phải cắt giảm việc làm nếu tình hình kéo dài đến cuối năm.

Không chỉ tác động về kinh tế, chính quyền ông Trump còn đối mặt với thách thức pháp lý. Trung tâm Tự do Tư pháp Mỹ (LJC) đã khởi kiện ông Trump ra Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ, cáo buộc ông đã đơn phương áp thuế mà không thông qua Quốc hội – hành vi bị cho là vượt thẩm quyền hiến định.

Dù Tổng thống Trump tuyên bố đã đạt “thỏa thuận tiềm năng” với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhưng các văn bản vẫn chưa được ký kết. Washington đặt ra thời hạn 90 ngày để các quốc gia này nhượng bộ thương mại, nếu không mức thuế có thể tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Malaysia… đang gấp rút tái định hướng xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông và các thị trường khu vực. Tuy nhiên, việc “xoay trục” không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Kông Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-ong-trump-khien-nuoc-my-duoc-va-thi-ma-da-sung-ar941074.html