Chính sách xóa đói giảm nghèo ở Bình Phước đã… 'kết trái ngọt'

Giai đoạn 2019-2023, tỉnh Bình Phước giảm gần 6.600 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), vượt chỉ tiêu giảm 1.000 hộ nghèo mỗi năm theo kế hoạch. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân trong tỉnh.

Tỉnh Bình Phước hiện có 40 thành phần DTTS sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Từ thực trạng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao, trong khi tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt thấp, vì thế năm 2019, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS đã được ban hành.

Chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Phước đã… “kết trái ngọt”

Chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Phước đã… “kết trái ngọt”

Chương trình được triển khai hiệu quả là do tỉnh đã bố trí trên 675 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh bố trí trên 284 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện bố trí gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia trên 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 147 tỷ đồng, vốn vận động gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở, đất ở; hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… Việc hỗ trợ cho người dân được thực hiện công tâm, sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân.

Nhờ đó, toàn tỉnh giảm được gần 6.600 hộ nghèo DTTS, vượt chỉ tiêu hàng năm giao là giảm 1.000 hộ nghèo như kế hoạch chương trình đề ra; đưa số hộ nghèo DTTS của tỉnh từ 4.545 hộ năm 2019 giảm xuống còn 574 hộ vào cuối năm 2023.

Kết quả này đã trở thành động lực để công tác giảm nghèo của tỉnh chuyển biến theo hướng nhanh, bền vững; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, cũng như các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ và chất lượng hơn.

Mục tiêu tiếp theo của Bình Phước vẫn là giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu và không để xảy ra tái nghèo

Mục tiêu tiếp theo của Bình Phước vẫn là giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu và không để xảy ra tái nghèo

Trong 5 năm qua, Bình Phước vẫn tiếp tục kiên trì hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.

Tiếp đến là sự vào cuộc của các hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo…

Để có được kết quả ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững như thế, tỉnh Bình Phước đã đồng bộ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nói về các giải pháp xóa đói giảm nghèo thì nguồn lực tài chính vẫn giữ vai trò quyết định đến thành công cho chương trình xóa đói giảm nghèo, mà ở đó ngân sách nhà nước sẽ dẫn dắt, tạo động lực. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân.

Nhiều tập thể, cá nhân được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023 (Ảnh: Báo Bình Phước)

Nhiều tập thể, cá nhân được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2023 (Ảnh: Báo Bình Phước)

Thêm nữa là vai trò của những hộ nghèo - đối tượng thụ hưởng. Vì chỉ khi bản thân họ muốn thoát nghèo, khát khao thoát nghèo, nỗ lực thoát nghèo thì các chính sách an sinh mới có thể phát huy tối đa hiệu quả…

Dù chương trình xóa giảm nghèo tại Bình Phước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đôi lúc còn chưa đồng bộ; một bộ phận hộ nghèo đồng bào DTTS còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước… Nhưng trên hết, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững này đã đạt được nhiều thành tựu tích cực.

S.H

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chinh-sach-xoa-doi-giam-ngheo-o-binh-phuoc-da-ket-trai-ngot-437989.html