Chính trị | QH-HĐND TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Ngày 13/7, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Lò Văn Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các ban HĐND tỉnh, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh…
Tại Hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết chia tách, thành lập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố thuộc các huyện, đề nghị đơn vị thống nhất về tên gọi Nghị quyết: Đề nghị bỏ cụm từ “Về việc” và sửa thành “Chia tách, thành lập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu”...
![Quang cảnh Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2022_07_13_436_43158922/02538f9653d4ba8ae3c5.jpg)
Quang cảnh Hội nghị.
Đối với Dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết và nội dung Đề án. Song đề nghị làm rõ một số nội dung sau: Số lượng chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã hiện có và trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; lộ trình đào tạo số người được cử đi đào tạo cao đẳng, đại học dự kiến ra trường, bố trí công tác các năm 2022 - 2025; nguyên nhân 16 người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở chưa được bổ nhiệm; số thôn đội trưởng hiện có và còn thiếu so với quy định; số Ban chỉ huy quân sự cấp xã được bố trí phòng làm việc riêng và cấp đủ trang thiết bị làm việc.
Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu đề nghị đơn vị cần thống nhất số liệu trong nội dung báo cáo; việc đánh giá hạn chế trong báo cáo chưa toàn diện; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên còn hạn chế…
Riêng báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu cơ bản nhất trí với những hạn chế và nhận định trong báo cáo nêu, tuy nhiên những hạn chế này đã được nêu trong báo cáo các năm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
![Đại biểu trả lời và làm rõ một số nội dung vướng mắc được đề cập tại Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2022_07_13_436_43158922/7f6ff7aa2be8c2b69bf9.jpg)
Đại biểu trả lời và làm rõ một số nội dung vướng mắc được đề cập tại Hội nghị.
Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có thời điểm chưa hiệu quả; tình hình an ninh nông thôn ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố gây phức tạp... Công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 còn nhiều hạn chế như chất lượng tuyên truyền chưa cao; việc giám sát, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện hành vi tham nhũng chưa hiệu quả.
Kết quả kiểm sát 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022: chất lượng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát hai cấp còn thấp, nhất là tranh chấp dân sự còn bị hủy, trong đó có trách nhiệm của Kiểm sát viên kiểm sát vụ án; hồ sơ điều tra bổ sung trong các báo cáo chưa thống nhất.
Công tác thi hành án còn xảy ra một số vi phạm; Viện kiểm sát hai cấp ban hành 4 kiến nghị, 2 kết luận yêu cầu khắc phục các vi phạm, thiếu sót: chậm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chậm thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án…
Đối với nội dung xét xử và thi hành án 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác tòa án 6 tháng cuối năm 2022, các đại biểu đề nghị giải trình lý do đình chỉ 1 vụ (2 bị cáo) giai đoạn xét xử hình sự sơ thẩm, 6 vụ (9 bị cáo) do Tòa án Nhân dân các cấp xét xử phúc thẩm đối với bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh có kháng cáo, kháng nghị; giải trình làm rõ quá trình xét xử có nhiều bị cáo được áp dụng các biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng trong thời gian chờ xét xử bị cáo lại phạm tội mới hoặc bỏ trốn…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan tư pháp đã trả lời và làm rõ một số nội dung hạn chế, vướng mắc các đại biểu đã đưa ra.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lò Văn Cương - Trưởng Ban Dân vận, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao và nhất trí với ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp, giải trình của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành và thành viên Ban Pháp chế; đề nghị cơ quan soạn thảo, tổng hợp, hoàn thiện các dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại kỳ họp.