Cho con một điều ước

Tôi là một người khuyết tật bẩm sinh. Đôi chân không thể bước đi, đôi tay run rẩy khó điều khiển, khuôn mặt méo xệch, dù có suy nghĩ nhưng khó thốt ra được thành lời. Đã 32 tuổi, tôi vẫn mang dáng dấp của một đứa trẻ lên sáu, lên bảy. Để có thể viết được những dòng chữ và tâm sự như thế này, tôi đã phải trải qua một hành trình dài của sự kiên trì và khổ luyện. Đi bên cạnh tôi, trải qua bao khó khăn, thậm chí cùng tôi khóc, đó là cha, người đã dành cả cuộc đời yêu thương, chăm sóc tôi.

Tôi là thiên thần của cha mẹ khi chào đời, nhưng vì một chiếc gen lặn nào đó mà tôi không như những đứa trẻ bình thường khác. Một hình hài dúm dó đến mức bà đỡ chỉ đỡ tôi lọt lòng mẹ. Còn lại cha vì không muốn cho mẹ biết, đành tự tay tắm rửa, quấn khăn ấm và cho tôi bú sữa ngoài. Nhưng chỉ qua được đêm hôm đó, mẹ cũng đã nhìn thấy tôi.

Sự đau thương tột độ của mẹ dành cho tôi làm bà ngất lịm hết lần này đến lần khác. Rồi bà mất sữa. Cha cách ly hai mẹ con để vực lại tinh thần của mẹ. Tôi tròn tháng, vẫn không thay đổi gì so với khi sinh ra. Cha thấy tôi ăn ngủ bình thường nên đã động viên mẹ: “Con sinh ra đã khổ, vậy chúng ta hãy dành hết cuộc đời này bù đắp cho con, mình nhé!”. Nhìn người chồng đang gắng gượng từng ngày, nén sự thương tâm vào trong, mẹ tôi đã “gật gật” đồng ý…

Cha tôi từng là nhà giáo giỏi. Cha yêu nghề và luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Nhưng từ khi tôi sinh ra, cuộc đời cha đã rẽ sang ngã khác. Cha từ bỏ bục giảng, từ bỏ những ước mơ và hoài bão của mình để ở nhà chăm sóc tôi. Cha nhường cho mẹ được đi làm và cũng để trang trải cuộc sống cả nhà.

Tôi chưa bao giờ được đến trường. Năm tôi lên 6 tuổi, nghe các bạn trong xóm ê a đánh vần, nô đùa mỗi khi tan học, tôi chỉ biết khóc. Dường như hiểu được ý nguyện của tôi, cha đã nói muốn dạy tôi học. Với một đứa trẻ bình thường, việc đánh vần đã khó, với tôi khó gấp ngàn lần, bởi đã 6 tuổi tôi vẫn chỉ “ư, ơ”.

Những ngày tháng khổ luyện của hai cha con để tôi nói được kể từ đó. Do bẩm sinh nên lời tôi thốt ra qua cuống họng bị nghẽn lại, tắc thành âm “ư, ơ” khó nhọc. Điều đó làm tôi thấy bất lực với chính mình. Tôi chán nản và không biết bao nhiêu lần bỏ cuộc. Những lần như vậy, cha lại động viên, an ủi tôi: “Từ từ con à. Cha biết rồi con sẽ làm được. Con của cha giỏi lắm!”. Tôi nhìn cha, ánh mắt ông như có hàng trăm ngôi sao đang lấp lánh thắp sáng ước mơ của tôi. Sau một năm cố gắng, kiên trì thì tôi đã thốt ra được tiếng “cha”. Với người ngoài rất khó để nghe được tiếng “cha”, nhưng cha tôi xem đó là kỳ tích và ông đã ôm tôi vào lòng khóc.

Tôi học đánh vần, học chữ. Sự khổ luyện trí não không làm khó được tôi. Tôi học khá nhanh. Nhưng sự khổ luyện về thể chất mới thực sự khủng khiếp. Đôi tay tôi không thể cầm bút. Cha nẹp bút vào tay cho tôi, rồi cầm tay tôi nắn nót. Viết được một, hai nét thì cha dừng lại nắn bóp tay cho tôi vì đau nhức. Mãi đến năm 9 tuổi, tôi mới tự viết được chữ cái đầu tiên.

Từ một người chỉ nằm một chỗ, cha đã tập cho tôi ngồi, rồi đứng. Cha cho lắp đặt trong nhà một hành lang có tay vịn để tôi tập đi. Tôi không thể nào quên cảm giác đau buốt thấu xương khi tôi dò dẫm bước chân đầu tiên. Nước mắt tôi cứ trào ra, mồ hôi đầm đìa. Cha đi sau ôm cơ thể tôi để không ngã. Tôi khóc, ông cũng đau đớn bất lực, khuôn mặt ông co rúm lại như có hàng vạn mũi tên đang đâm vào cơ thể. Vậy mà cha vẫn động viên: "Cha tin con sẽ làm được!”.

Năm 25 tuổi, tôi bắt đầu làm quen với chiếc máy tính cha mua về tặng quà trưởng thành của tôi. Cha động viên tôi hãy viết những điều mình suy nghĩ. Cha truyền cho tôi niềm tin vào bản thân, giúp tôi nhận ra rằng, dù không thể đến trường, dù là người khuyết tật, tôi vẫn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa, một cuộc đời đáng sống.

Năm tháng trôi qua, tôi viết những câu chuyện bình dị về cha và đăng trên trang cá nhân của mình. Một lần, tôi nhận thông tin về cuộc thi viết dành cho người khuyết tật. Tôi quyết định tham gia, với mong muốn nói lên tình yêu và lòng biết ơn đối với cha. Tôi dồn hết tâm huyết vào bài viết, kể về cuộc đời mình, về những khó khăn, những nỗ lực, về tình yêu thương vô bờ bến của cha, về những bài học mà cha đã dạy dỗ, về sự hy sinh cao cả của một người thầy, một người cha.

Ngày công bố kết quả, khi nghe tên mình được xướng lên giành giải nhất, tôi đã ôm lấy cha và cùng nhau thổn thức. Cha thì thầm: "Cha biết con sẽ làm được. Con của cha là người giỏi nhất!". Ánh mắt cha rạng ngời niềm tự hào, niềm hạnh phúc - tôi biết tôi sống có ý nghĩa.

Sau đó, những sự kiện mang thông điệp truyền cảm hứng sống tích cực, tin vào chính mình, vào điều kỳ diệu mang tên “Cha” đã đưa tôi đi đến nhiều vùng miền khác nhau. Tôi đã góp phần khơi những đốm than hồng bùng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết trong những bạn trẻ bị khuyết tật, giúp họ có động lực sống, động lực thay đổi số phận.

Tôi đã có một cuộc đời ý nghĩa. Và nếu có một điều ước, tôi ước tất cả người khuyết tật có được người cha như cha của tôi!

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Hồng Cúc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/170775/cho-con-mot-dieu-uoc