Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, sáng 19/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Trình bày tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), về sự cần thiết ban hành, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn. Về cơ bản, dự thảo Luật đã cụ thể hóa 9 nhóm chính sách trong Tờ trình của Chính phủ khi đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” như yêu cầu của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dự án Luật đã bỏ loại trừ, không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Cùng với đó, dự án Luật bổ sung quy định: “Luật này không quy định về nội dung của giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó” nhằm tạo điều kiện mở rộng việc cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc.
Để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, còn vướng mắc.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đi vào những vấn đề chung nhất, các báo cáo làm rõ hơn nữa sự cần thiết và mục đích của ban hành luật này. Chủ tịch Quốc hội cho rằng mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử là xu hướng đúng, song cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi, an ninh, an toàn cho người dân.
Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Theo Chủ tịch Quốc hội, giao dịch điện tử thực chất là phương cách để thực hiện giao dịch. Do đó cần đảm bảo không phát sinh thêm thủ tục, quy trình, điều kiện bắt buộc khi thực hiện. Hiện 158 nước đã có quy định luật pháp liên quan đến nội dung này. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, trong luật mẫu, luật khung, các cam kết quốc tế đã tham gia. Đặt vấn đề về xu hướng giao dịch điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là dự án luật đi sâu vào kỹ thuật, đặc thù nên cần soát xét để thuật ngữ trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu các ý kiến phát biểu và cho biết, Bộ sẽ rà soát nghiên cứu kỹ thực tiễn giao dịch điện tử tại Việt Nam trong 17 năm qua, lựa chọn những nội dung có thực tiễn tốt để luật hóa. Ngành nào quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số là nguyên tắc phổ quát; Luật là điều kiện cần để các bộ, ngành quy định chi tiết giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Luật cũng quy định ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn “offline” hay “online”…
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để có dự thảo luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số toàn dân và toàn diện; đồng thời tính toán kỹ tính khả thi, có tác dụng tích cực cho sự phát triển. Bộ trưởng chia sẻ, nhiều quốc gia đi trước chúng ta khá lâu, kinh tế số chiếm 50-60% nền kinh tế, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 12%, nên chúng ta có thể tham khảo được khá nhiều kinh nghiệm. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế (có bổ sung dẫn chứng cụ thể), các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, đảm bảo theo kịp xu thế của thế giới mà vẫn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự án luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hoàn thiện dự án luật; tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để hoàn thiện dự thảo luật, góp phần chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng, ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn trên không gian mạng…