Chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động

Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà sử dụng đúng người, đúng việc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Đồng Ngọc Ba phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Đồng Ngọc Ba phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đề nghị làm rõ vấn đề sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước, nhiều đại biểu nêu rõ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm.

Tinh giản biên chế phải tương ứng số lượng với chất lượng

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhấn mạnh các báo cáo đã nêu nhưng chưa đầy đủ về vấn đề sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước. "Đây là vấn đề không mới nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí," đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, bộ máy nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ máy nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí không chỉ là những giá trị có thể tính toán được mà nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài hơn, có thể làm lãng phí cơ hội phát triển đất nước.

Một đất nước dù có nhiều tiềm năng và có cơ hội phát triển nhưng bộ máy yếu, không tận dụng được cơ hội, có thể ví như một người có nhiều vốn khởi nghiệp, làm giàu nhưng thiếu năng lực nên “chưa giàu đã già."

Đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ chưa đạt yêu cầu. Bộ máy vẫn còn cồng kềnh, một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm... Cần có đánh giá cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu, địa chỉ cụ thể để có thể có các giải pháp khắc phục kịp thời.

Nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng kết quả đổi mới về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua, phần nhiều mới chỉ là thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất.

Nổi lên vấn đề như tổ chức bộ máy vẫn còn chồng chéo, "trùng dẫm" về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.

Chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức chính quyền địa phương nhiều nơi chưa đồng bộ. Việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị.

"Chính phủ cần khẩn trương tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm. Nếu việc tinh giản biên chế cơ học, không gắn với vị trí việc làm phù hợp, sẽ làm suy giảm năng lực của bộ máy," đại biểu nêu.

Về lâu dài, bộ máy nhà nước cần được đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, không chỉ sửa đổi mang tính tình thế.

Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc Hiến định, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến tạo, liêm chính, hành động, cần nghiên cứu và xác định rõ trong Đề án về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đang được triển khai xây dựng.

Cùng với đó, Chính phủ cần đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng tổ chức các bộ đa ngành, khắc phục triệt để việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình, phát huy đầy đủ vị trí, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thi hành chính sách pháp luật.

“Đây cũng điều kiện không thể thiếu để có thể sử dụng hiệu quả, chống lãng phí nguồn lực của đất nước, huy động trí tuệ xã hội và quản trị quốc gia phục vụ phát triển đất nước đi đến phồn vinh, thịnh vượng tất cả vì hạnh phúc nhân dân,” đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhấn mạnh báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 rất đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%.

Số người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị... là nỗ lực rất lớn của các cơ quan.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng: “Cần phân tích kỹ lưỡng hơn về chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế hay không?

Ở một số cơ quan, địa phương phản ánh tình trạng cào bằng giữa các đơn vị dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa kể cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác, nhưng lại phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung.

Như vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm và cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giản biên chế và chịu trách nhiệm về nội dung này.”

Làm rõ lãng phí trong sử dụng kit test COVID-19

Cũng trong phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu rõ việc để xảy ra tình trạng kit test COVID-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng, không chỉ tiêu dùng cá nhân mà còn ở các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cơ sở y tế, gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu nêu theo cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an, sau 17 tháng, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test COVID-19, từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021, công ty này chỉ bán kit test cho các CDC và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: “Không kể đến những sai phạm nêu trên, tại một số thời điểm trong thời gian phòng, chống dịch, nhất là vào những tháng cuối năm 2021, khi thực hiện bước chuyển chiến lược sang mô hình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, việc đưa ra yêu cầu về kết quả âm tính với COVID-19 là một trong những điều kiện để đi lại và hoạt động truy vết nguồn lây chưa thực sự thuyết phục, tiêu tốn một nguồn lực rất lớn, không chỉ của ngân sách nhà nước mà còn lãng phí nguồn lực của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.”

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính cấp phép, “xin - cho” với hình thức giấy đi đường liên tục thay đổi, ban hành mới.

Công tác phối hợp tổ chức thực hiện tại một số nơi còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán, linh hoạt đã có tác động tiêu cực đến kết quả phòng, chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực con người được huy động cũng như nguồn ngân sách cho hoạt động này.

Ngoài ra, sự hạn chế trong việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch cũng là một sự lãng phí, nguồn lực xã hội. "Đề nghị các bộ, ngành báo cáo rõ nét hơn," đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị./.

Diệp Trương (TTXVN/ Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chong-lang-phi-trong-quan-ly-su-dung-cong-chuc-nguoi-lao-dong/793763.vnp