Chủ động phòng cúm mùa

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tại một số địa phương trong cả nước, số lượng người bị cúm mùa gia tăng ở các nhóm cúm A và B. Trước tình hình đó, ngành y tế đã có các khuyến cáo về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, không để cúm lây lan trên diện rộng. Ngành y tế cũng khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm nhằm bảo đảm miễn dịch.

Chủ động phòng, chống dịch cúm, những ngày qua tại các địa phương trong cả nước và Bình Dương, số lượng người dân đi tiêm vắc xin phòng cúm tăng khá cao. Cụ thể, tại các điểm tiêm phòng đã ghi nhận số lượng người dân đến tiêm vắc xin tăng gấp 3-4 lần, có điểm tăng lên đến 10 lần so với trước đây. Việc người dân tăng cường tiêm vắc xin phòng cúm cho thấy nhận thức về phòng, chống dịch trong cộng đồng đã được nâng cao, nhất là khi toàn xã hội đã trải qua khoảng thời gian “không thể nào quên” chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19. Đồng thời, khi người dân chủ động đi tiêm phòng cũng cho thấy rõ ý thức tiêm vắc xin là phương pháp bảo vệ tối ưu trước các bệnh truyền nhiễm.

Trước tình hình gia tăng mạnh về số lượng người đi tiêm phòng, cũng như dự báo nhu cầu tiêm phòng của người dân trong thời gian tới, ngành y tế và các điểm tiêm chủng trong tỉnh cũng đã chủ động dự trù, tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm, tránh tình trạng thiếu hụt; đồng thời chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, bảo đảm chất lượng vắc xin và hiệu quả phòng bệnh tối ưu và lâu dài cho người dân.

Cúm mùa là một loại bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện thành chùm ca hoặc trở thành dịch với số lượng lớn người mắc. Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm mùa có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim, nguy cơ viêm phổi ở người cao tuổi. Cúm mùa cũng có thể dẫn đến nguy cơ biến cố bất thường liên quan đến đường huyết. Cúm mùa còn ảnh hưởng đến thai phụ với nguy cơ viêm phổi nặng, sảy thai, sinh non hoặc thai nhi mắc dị tật. Vi rút cúm cũng có thể tác động đến xương khớp, tim mạch, hệ thần kinh…

Để phòng, chống hiệu quả cúm mùa, cùng với các giải pháp của ngành y tế, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách mặc ấm, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng; tăng cường tập thể dục, ăn uống đủ chất... Đặc biệt, việc tiêm vắc xin cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhằm kiểm soát và không để bệnh lây lan trên diện rộng; đồng thời tạo ra miễn dịch cho cộng đồng…

ĐÀM THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chu-dong-phong-cum-mua-a341667.html