Chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều làm độ ẩm tăng cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức đề kháng vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển nhanh. Ðặc biệt, ở thời điểm này, người nuôi tập trung tái đàn nhiều để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng vào dịp Tết, làm gia tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1.

Bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thông tin, từ cuối năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N1 nào xuất hiện, từ đó người chăn nuôi phần nào quên đi sự nguy hiểm của dịch bệnh, chủ quan, lơ là với công tác phòng chống. Chính vì thế, nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn có thể xảy ra, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay.

Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài 4,9 triệu con gia cầm xuất chuồng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh hiện còn tổng đàn gia cầm khoảng 3 triệu con. Ông Trương Minh Út, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết, nhằm chủ động phát hiện sớm sự lưu hành mầm bệnh động vật, thời gian qua, đơn vị lấy 42 mẫu huyết thanh gia cầm bán tại các chợ huyện như U Minh, Thới Bình, Năm Căn, Cái Nước và TP Cà Mau để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm H5N1, H5N6 và H5N8. Kết quả, không phát hiện vi rút cúm gia cầm ở 42 mẫu xét nghiệm.

Hiện nay, người chăn nuôi đang chọn mua con giống để tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 rất cao.

Hiện nay, người chăn nuôi đang chọn mua con giống để tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 rất cao.

“Ngoài công tác giám sát sự lưu hành của vi rút tại các chợ, công tác tiêm phòng vắc xin và giám sát sau tiêm phòng cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ðến nay, các địa phương đã tiêm phòng gia cầm đạt 161.471 liều, đạt 95% so với tổng đàn gia cầm trong diện tiêm. Lấy ngẫu nhiên 120 mẫu huyết thanh của 4 đàn gia cầm ở các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh để giám sát sau tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Kết quả, có 90/120 đạt hiệu giá kháng thể kháng vi rút cúm gia cầm, trong đó có 3 đàn đạt tỷ lệ bảo hộ từ 70% trở lên, 1 đàn đạt 50% không đạt yêu cầu bảo hộ (đàn gia cầm xã Việt Thắng, huyện Phú Tân). Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang chỉ đạo các trạm thú y tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc tại hộ nuôi và theo dõi giám sát thường xuyên trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, xử lý nhanh khi có dịch bệnh xảy ra”, ông Trương Minh Út thông tin.

Cũng theo ông Út, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 1.560 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do hiện nay lực lượng thú y còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên công tác này triển khai chậm so với kế hoạch.

Bà Huỳnh Thị Ái Xuyên chia sẻ, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh. Thực tế diễn biến các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch cúm gia cầm H5N1 những năm trước đây cho thấy, những ổ dịch đã xuất hiện đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không được xây cất đồng bộ; hơn nữa trong quá trình chăn nuôi, các hộ chưa tuân thủ nghiêm ngặt khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng nên vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, do chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, phân tán nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Khi xuất hiện bệnh dịch, công tác phòng, chống gặp nhiều hạn chế, nguy cơ lây lan cao.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nguy cơ cao xảy ra cúm gia cầm.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nguy cơ cao xảy ra cúm gia cầm.

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ông Trương Minh Út khuyến cáo, người chăn nuôi phải áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Khi nhập đàn, con giống phải được nuôi cách ly theo quy định. Thức ăn cho vật nuôi phải đảm bảo khẩu phần ăn của các loại con giống; không sử dụng thức ăn thừa của đàn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn đã bị dịch cho đàn mới; dụng cụ đựng thức ăn của vật nuôi phải được tiêu độc, khử trùng định kỳ. Khi người nuôi phát hiện gia súc, gia cầm chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y biết để hướng dẫn xử lý kịp thời. Không bán chạy vật nuôi; không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh; không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực ao hồ xung quanh trại. Thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm khi có dịch.

Qua 3 năm, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ðặc biệt, do khoảng 60% lượng thịt gia cầm tiêu thụ trong tỉnh phải nhập từ các tỉnh, thành trong khu vực nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm vẫn có thể lưu hành trên các loài chim, cò hoang dã. Do đó, các ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi và người dân cần tích cực chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh./.

Trung Ðỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-phong-ngua-dich-cum-gia-cam-a35160.html