Chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh hen suyễn
BBK- Hen suyễn là bệnh không lây, thường gặp ở trẻ nhỏ và người già có sức đề kháng kém. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

Bệnh nhân bị bệnh viêm phế quản, hen suyễn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc hen suyễn đang gia tăng, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh lý hô hấp, chỉ đứng sau ung thư phổi, nhiều trường hợp bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời do các triệu chứng không rõ ràng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu người mắc bệnh hen suyễn, chiếm tới 5% dân số. Điều đáng lo ngại có khoảng 8-10% trẻ em mắc bệnh hen, trong đó độ tuổi 12-13 tuổi có tỷ lệ cao nhất châu Á, với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em thường ở giai đoạn muộn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, rất khó phát hiện.
Tại tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo chưa đầy đủ từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người mắc căn bệnh hen, trong đó hiện các cơ sở khám, chữa bệnh đang quản lý, điều trị hơn 400 người mắc bệnh hen phế quản.
Hen suyễn là một bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp, khiến niêm mạc phế quản bị sưng viêm và trở nên nhạy cảm với các tác nhân kích thích. Khi bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố kích hoạt, đường thở sẽ bị co thắt, gây ra tình trạng tắc nghẽn, khó thở và ho kéo dài, nhất là vào ban đêm, sáng sớm và mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em và người có cơ địa dị ứng. Nếu không được kiểm soát tốt, hen suyễn có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II, Hà Thiêm Đông, Trưởng Khoa tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Đối với bệnh hen suyễn, hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, chủ yếu là điều trị dự phòng. Thuốc điều trị hen chủ yếu là thuốc giãn phế quản và chống viêm, tập trung điều trị triệu chứng là chính.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh các tác nhân gây khởi phát cơn hen, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, lông thú, hóa chất độc hại, lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, để tăng cường thể lực, khám sức khỏe định kỳ, để giúp bác sĩ đánh giá tình trạng điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp".
Đây là một trong những căn bệnh đang được y học quan tâm bởi gánh nặng về bệnh tật, kinh tế và tử vong do bệnh này gây ra vẫn tiếp tục gia tăng. Những năm qua, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc miễn phí về hen phế quản cho các đối tượng có các yếu tố nguy cơ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Nông Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y dược - Sở Y tế Bắc Kạn cho biết: "Nhằm khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh hen tại cộng đồng, Sở Y tế đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc, nhằm phát hiện sớm những người bệnh có dấu hiệu mắc bệnh hen phế quản, trường hợp bệnh nhân nặng hơn thì có thể tư vấn cho bệnh nhân được điều trị tại tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh. Ngoài ra, hằng năm Sở Y tế còn tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên trạm y tế xã về chẩn đoán, phát hiện sớm, quản lý người mắc bệnh hen...".
Hen suyễn là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt. Mỗi người hãy nâng cao ý thức để phòng, tránh bằng cách không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế tiếp xúc với khói bụi. Khi có các dấu hiệu ho liên tục, nhiều đờm, khó thở thì cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, phát hiện và điều trị kịp thời. Kiểm soát tốt bệnh hen là góp phần giảm gánh nặng chi phí do điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chu-dong-phong-ngua-dieu-tri-benh-hen-suyen-post70653.html