Món quà bất ngờ của người mẹ 99 tuổi một đời chắt chiu

Giờ mẹ tôi là người an nhàn. Đừng nghĩ tất cả những người cao tuổi, đã nghỉ hưu đều an nhàn. Không ít người tuổi cao vẫn phải mưu sinh hoặc có tiền, có của, con cháu đầy nhà nhưng vẫn vất vả.

Mẹ tôi thì khác, an nhàn hoàn toàn. Thể chất an nhàn đã đành, tinh thần cũng thế. Mẹ luôn lạc quan, yêu đời. Mẹ luôn là người truyền năng lượng tích cực cho con cháu, cho cuộc đời.

Ngày xưa, mẹ cũng vất vả như bao người phụ nữ Việt Nam cùng thời, một nách 7 đứa con lít nhít trứng gà, trứng vịt. Tất cả kinh tế gia đình trông hết vào bố tôi - một người đàn ông chịu thương, chịu khó, lăn lộn. Ông không nề hà bất cứ việc gì dù gian truân đến đâu, miễn là kiếm ra tiền.

Mẹ tôi 99 tuổi rồi.

Mẹ tôi 99 tuổi rồi.

Bố tôi là người hào phóng. Cứ có tiền là ông phải tiêu bằng hết. Hào phóng với vợ con, hào phóng với thiên hạ và dĩ nhiên, ông hào phóng với cả chính mình. Người như thế làm sao giữ được tiền. Cho nên cả cuộc đời làm vợ ông, mẹ tôi cứ phải chắt chiu, dè sẻn.

“Đàn ông như cái giỏ, đàn bà như cái hom”. Câu các cụ nói hoàn toàn đúng với hoàn cảnh gia đình tôi trước đây. Còn câu “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện” thật đúng với mẹ tôi.

Cả đời mẹ tôi chưa từng buôn to, bán lớn. Mẹ chỉ đi làm kẽo kẹt rồi lại lăn lưng sau giờ làm, bên cái máy khâu với một đống hàng gia công. Thế mà mẹ nuôi cả một đàn con phương trưởng nên người. Con cái không khi nào - dù là thời chiến tranh ác liệt hay thời bao cấp khốn khó - bị đứt bữa, không đứa nào phải nghỉ học giữa chừng.

Cái gì mãi cũng thành quen. Cái tính chắt chiu, dè sẻn của mẹ tôi cũng vậy. Chẳng ai nghĩ mẹ có tiền, có vàng, của chìm, của nổi. Vì chắt chiu bao nhiêu, mẹ cũng bỏ ra hết nuôi con ăn uống, lo cho con học hành.

Vậy mà, bỗng một ngày mẹ mở hầu bao chia cho mỗi con 2 chỉ vàng. Riêng tôi - đứa con ở xa - được mẹ cho tận 4 chỉ.

Vàng đang lên giá cao chất ngất, 4 chỉ là cả một đống tiền chứ đâu phải ít. Nhưng lớn hơn cả tiền bạc, quý hơn cả vàng, là tấm lòng của mẹ. Phải chắt chiu bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, phải đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi mẹ mới có được từng ấy chỉ vàng.

Tôi mang 4 chỉ vàng mẹ cho ra đánh thành một cái nhẫn kỷ niệm. Thay vì chữ Tài, chữ Lộc, tôi khắc lên mặt nhẫn một chữ MẸ. Chữ MẸ viết hoa với tất cả sự kính trọng và yêu mến dành cho MẸ của mình!

Hùng Lý

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mon-qua-bat-ngo-cua-nguoi-me-99-tuoi-mot-doi-chat-chiu-2400080.html