Chủ động phòng ngừa, xây dựng môi trường làm việc an toàn

Trước tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài ở Nam Bộ, các đơn vị thuộc Tổng cục Hậu cần (TCHC) ở khu vực phía Nam đã chủ động triển khai nghiêm túc các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Qua đó giúp bảo đảm môi trường làm việc an toàn, giữ sức khỏe cho bộ đội, người lao động trong thời tiết cực đoan, hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, trở thành điểm sáng trong xây dựng môi trường làm việc văn hóa, “xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.

Chủ động phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó

Sau gần một giờ tổ chức thao diễn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tòa nhà 5 tầng, cán bộ, nhân viên, học viên Trường Cao đẳng Hậu cần 2 (TCHC) đã phối hợp xử trí tốt các tình huống, yêu cầu đề ra đối với lực lượng tại chỗ. Nhà trường phối hợp với Trung đoàn 263, Sư đoàn Phòng không 367 (Quân chủng Phòng không-Không quân), lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy huy động thiết bị chữa cháy, cứu hộ chuyên dụng vào xử trí tình huống, bảo đảm “thời gian vàng” giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

 Cán bộ, nhân viên, học viên Trường Cao đẳng Hậu cần 2, Tổng cục Hậu cần thực hành thao diễn phương án chữa cháy, cứu hộ.

Cán bộ, nhân viên, học viên Trường Cao đẳng Hậu cần 2, Tổng cục Hậu cần thực hành thao diễn phương án chữa cháy, cứu hộ.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hậu cần 2 cho biết: “Nhà trường luôn lấy yếu tố ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ đặt lên hàng đầu trong việc tạo ra môi trường học tập, rèn luyện hiệu quả, giàu sức sáng tạo. Hằng năm, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, tổ chức diễn tập, thao diễn xử lý tình huống cháy, nổ, mất an toàn lao động, nhà trường đặc biệt chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của cán bộ, học viên, thực hiện nghiêm quy định bảo đảm an toàn trong sử dụng vũ khí, trang bị, quá trình thực hành, thực tập, huấn luyện dã ngoại, vận hành xe cơ giới, tham gia giao thông...”.

Đứng chân ở địa bàn quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty 28, đơn vị chủ lực về ngành dệt, may của TCHC trong thời gian qua luôn làm tốt công tác huấn luyện, diễn tập xử lý tình huống cháy, nổ, vận hành và phát huy tốt lực lượng tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy. Hằng năm, đơn vị luôn được quận Gò Vấp lựa chọn tham gia hội thao cấp thành phố, đạt nhiều thành tích cao.

Đại tá Bùi Văn Bắc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng công ty 28 cho biết: “Đặc thù của đơn vị là về ngành sợi, nhuộm, dệt, may có số lượng thiết bị máy móc lớn và nguyên liệu, phụ liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và tai nạn lao động cao. Vì thế, công tác ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp được Tổng công ty ưu tiên hàng đầu, gắn với các giải pháp đồng bộ, tổng thể, gắn với từng vị trí sản xuất, vận hành máy móc, quy trình sản xuất. Cán bộ, công nhân quản lý, vận hành nồi hơi, lò dầu, máy nén... đều phải qua đào tạo về thiết bị áp lực và có giấy chứng nhận mới được vận hành và sử dụng máy móc. Các xí nghiệp, dây chuyền sản xuất, từng khâu sản xuất, tổ sản xuất đều được quán triệt chặt chẽ các quy định về bảo đảm an toàn lao động, nắm chắc các phương án xử trí tình huống mất an toàn, phòng, chống cháy nổ".

Công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn lao động trong cao điểm nắng nóng từ đầu tháng 4-2024 đến nay được các đơn vị khác của TCHC ở khu vực phía Nam, như: Kho 690 (Cục Quân nhu), Kho 706 (Cục Quân y), Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam (Cục Quân y), Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải), Công ty Cổ phần 32... triển khai chặt chẽ, hiệu quả cao, theo các kế hoạch, phương án ứng phó của từng đơn vị. Đối với phương án phòng cháy, chữa cháy, từng đơn vị đã xác định rõ những yếu tố có thể gây cháy, nổ để kịp thời bổ sung hoàn thiện các biện pháp, sẵn sàng xử trí tình huống sát với thực tiễn gắn với bảo đảm tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Công ty Cổ phần 32 chuyên sản xuất ngành da giày, 100% máy móc, thiết bị có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đã được xây dựng, triển khai kế hoạch nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại từng khu vực, vị trí làm việc của người lao động. Cán bộ phụ trách an toàn tại các xí nghiệp kết hợp với lực lượng quản đốc, tổ trưởng, thợ cơ điện, công nhân trực tiếp sản xuất nhận diện, đánh giá mối nguy hiểm và đưa ra giải pháp phòng tránh tai nạn lao động tại các vị trí làm việc cụ thể.

Xây dựng môi trường làm việc văn hóa, an toàn

Trong những tháng đầu năm 2024, khu vực phía Nam có thời tiết nắng nóng kéo dài, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ATVSLĐ. Thượng tá Phạm Tuấn Đang, Chủ nhiệm Kho 690 cho biết: “Là kho chiến lược của Cục Quân nhu, chúng tôi xác định môi trường làm việc an toàn là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị duy trì hiệu quả công tác kiểm tra định kỳ về bảo đảm phòng, chống cháy nổ, kịp thời bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, dụng cụ chữa cháy và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho cán bộ, nhân viên khi làm việc. Trước tình trạng nắng nóng, nhiệt độ ở môi trường sản xuất, ngoài trời, trong kho bảo quản, đơn vị đã có những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể các biện pháp bảo đảm sức khỏe, an toàn đối với người lao động, không để tình trạng sốc nhiệt xảy ra.

Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 972, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Ảnh: XUÂN THẠO

Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 972, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. Ảnh: XUÂN THẠO

Để có sự chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn cao, các đơn vị thuộc TCHC ở phía Nam đã tập trung bảo đảm tốt an toàn mọi mặt, chủ động tuyên truyền, phổ biến quy định hiện hành về công tác bảo hộ lao động và phối hợp với cơ quan chức năng huấn luyện về ATVSLĐ phù hợp từng nhóm đối tượng.

Các giải pháp mang tính bền vững là xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại gắn với phát huy hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; thường xuyên được kiện toàn, kết hợp với xây dựng và huấn luyện chu đáo mạng lưới an toàn viên, vệ sinh viên ở tất cả các tổ sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn: ISO 9001:2000, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khu vực làm việc đều có khẩu hiệu cổ động, bảng biển hướng dẫn quy tắc an toàn lao động, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đều có quy trình, quy phạm kỹ thuật và nội quy vận hành an toàn với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Tại lễ mít tinh làm điểm về hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 của Trường Cao đẳng Hậu cần 2, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Thiện, Phó chủ nhiệm TCHC đã yêu cầu các đơn vị thuộc TCHC ở phía Nam thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh và huấn luyện phương án bảo đảm an toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc thù địa bàn đứng chân; thường xuyên đánh giá những nguy cơ rủi ro để chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường sống, công tác, lao động an toàn; bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hoàn thành nhiệm vụ, công tác bảo đảm hậu cần cho hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-phong-ngua-xay-dung-moi-truong-lam-viec-an-toan-777856