Chủ động tiếp cận thị trường Halal
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp cận thị trường Halal - nơi tập trung hơn 2 tỷ người tiêu dùng tại 112 quốc gia, không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là cơ hội chiến lược để doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau mở rộng xuất khẩu, tăng trưởng bền vững và nâng tầm vị thế hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp
Tại Hội nghị phổ biến về Hội nhập Quốc tế năm 2025, do Sở Công thương tỉnh Cà Mau phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vừa qua, các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với DN địa phương khi tiếp cận thị trường Halal.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến về Hội nhập Quốc tế năm 2025, với chủ đề “Chứng nhận Halal - Cơ hội xuất khẩu vào các nước Hồi giáo”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng Chứng nhận Halal, Chuyên gia đào tạo và cấp chứng chỉ Halal, cho biết, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu hiện có hơn 1,7 tỷ người, trong đó hơn 1,3 tỷ người sống tại châu Á, 446 triệu người tại châu Phi, phần còn lại phân bố rải rác ở châu Âu và châu Mỹ. Ðây là những thị trường tiêu dùng tiềm năng với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm đạt chuẩn Halal.
Dự báo đến năm 2028, thị trường Halal toàn cầu sẽ đạt quy mô 3.000 tỷ USD và có thể vượt mốc 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, để thâm nhập được thị trường này, DN phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe. Bà Hằng lưu ý: Indonesia yêu cầu in đồng thời 2 logo Halal (logo trong nước và logo của tổ chức chứng nhận nước xuất khẩu); Saudi Arabia chỉ công nhận chứng chỉ từ tổ chức đã được nước này đăng ký; còn Malaysia cấm ghi nhãn "Halal" nếu không có chứng nhận từ tổ chức được JAKIM phê duyệt...
Tận dụng lợi thế, đa dạng hóa đầu ra
Theo bà Huỳnh Thiên Trang, Phó giám đốc VCCI khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng đạt 28,2 tỷ USD, trong đó Cà Mau đóng góp 956 triệu USD, xếp thứ 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Chỉ trong quý I năm 2025, xuất khẩu của tỉnh đã đạt 244 triệu USD, phản ánh tiềm năng rất lớn nếu khai thác đúng hướng.
Bà Trang nhận định, các ngành mũi nhọn của Cà Mau như thủy sản, nông sản chế biến đều có lợi thế để đáp ứng tiêu chuẩn Halal nếu có sự đầu tư bài bản. Trong bối cảnh một số thị trường truyền thống như Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá tới 46% đối với một số mặt hàng, thì việc chuyển hướng sang các thị trường Hồi giáo tại Trung Ðông, Ðông Nam Á và châu Phi là giải pháp chiến lược để giảm rủi ro và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Các ngành mũi nhọn của Cà Mau như thủy sản, nông sản chế biến đều có lợi thế để đáp ứng tiêu chuẩn Halal nếu có sự đầu tư bài bản.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, cho rằng, chứng nhận Halal không chỉ là yêu cầu tôn giáo, mà còn thể hiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sự tôn trọng văn hóa tiêu dùng, những yếu tố ngày càng được người tiêu dùng toàn cầu quan tâm. Tuy nhiên, ông Nam nhìn nhận, mức độ tiếp cận thị trường Halal của DN trong tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Việc thiếu thông tin, khó khăn trong lựa chọn tổ chức chứng nhận uy tín và chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất khiến nhiều DN chưa thể khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường này.
Trước thực tế đó, việc tổ chức hội nghị chuyên đề “Chứng nhận Halal - Cơ hội xuất khẩu vào các nước Hồi giáo” là bước đi quan trọng nhằm trang bị kiến thức và thông tin cần thiết cho DN. Tại đây, các chuyên gia đã chia sẻ cụ thể về quy trình chứng nhận, đóng gói, ghi nhãn, in logo cũng như các quy định nhập khẩu của từng quốc gia.
Biến tiềm năng thành cơ hội
Ðồng hành cùng DN, Chính phủ đã ban hành Ðề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, tạo nền tảng pháp lý và hành lang hỗ trợ để DN từng bước chinh phục thị trường Halal toàn cầu.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết, hiện nay DN, hợp tác xã và người nông dân hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội phát triển sản phẩm Halal thông qua các kênh tiếp cận chính thống như diễn đàn, hội nghị, môi trường trực tuyến, để tìm hiểu kỹ các điều kiện, quy chuẩn sản xuất và lựa chọn mặt hàng phù hợp với lợi thế của địa phương, như thủy sản tươi sống.
Ông Bằng cũng khuyến nghị các đơn vị sản xuất cần thực hiện sản xuất theo quy hoạch vùng, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện liên kết chuỗi cung ứng, duy trì tiêu chuẩn sau khi được cấp chứng nhận, đồng thời tích cực tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần tận dụng hiệu quả các chương trình, dự án được Nhà nước đầu tư để xây dựng nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường Halal.
Thị trường Halal chính là một trong những hướng đi chiến lược góp phần đưa hàng hóa Cà Mau vươn ra thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội này, DN cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư bài bản, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội nghị chuyên đề về Halal tại Cà Mau vừa qua không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức và cập nhật xu hướng thị trường, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ để DN địa phương chủ động chuyển mình từ cải tiến quy trình sản xuất, lựa chọn đối tác chứng nhận đáng tin cậy, đến xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ðây là bước đi cần thiết để hiện thực hóa tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước đưa thương hiệu hàng hóa Cà Mau vươn xa trên thị trường toàn cầu.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-tiep-can-thi-truong-halal-a38829.html