EU dọa tung đòn thuế trả đũa 107 tỷ USD nhắm vào hàng Mỹ
Ngày 9/5, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất áp thuế trả đũa trị giá 95 tỷ euro (hơn 107 tỷ USD) với hàng hóa Mỹ nếu đàm phán với Washington thất bại.

Dù vẫn tích cực tìm giải pháp thông qua đàm phán với Mỹ, EU vẫn chuẩn bị kịch bản đối phó nếu không đạt được thỏa thuận. Ảnh: Reuters.
Động thái này là phản ứng của EU trước các loại thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên ôtô cũng như chính sách thuế "có đi có lại" mà ông Trump triển khai rộng rãi. Danh mục bị nhắm tới bao gồm rượu vang Mỹ, bourbon, các loại rượu mạnh khác, cá, máy bay, ôtô và linh kiện, hóa chất, thiết bị điện, sản phẩm y tế và máy móc.
EC, cơ quan điều phối chính sách thương mại của 27 quốc gia thành viên EU, cho biết sẽ mở cuộc tham vấn công khai đến ngày 10/6 để các doanh nghiệp và chính phủ thành viên góp ý trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về biện pháp thuế trả đũa, nhiều khả năng sẽ tác động đến lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ ở mức thấp hơn con số công bố.
"EU vẫn hoàn toàn cam kết tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời chuẩn bị cho mọi kịch bản", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định.
Thông báo về danh sách sản phẩm mới có thể bị áp thuế được công bố cùng ngày với việc ông Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại với Anh - bước đi đầu tiên nhằm giảm bớt tác động từ làn sóng tăng thuế toàn cầu mà ông triển khai trong nhiệm kỳ.
Hiện, EU phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ đối với thép, nhôm và ôtô, cùng với mức thuế "có đi có lại" 10% cho hầu hết mặt hàng khác. Thậm chí, con số có thể tăng lên 20% sau khi thời gian tạm hoãn 90 ngày của ông Trump kết thúc vào ngày 8/7.
Dù luôn nhấn mạnh ưu tiên giải pháp đàm phán, EC vẫn sẵn sàng với phương án đáp trả nếu không đạt được tiến triển.
Tháng 4 vừa qua, EU đã phê duyệt chính sách áp thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ trị giá 21 tỷ euro (23,8 tỷ USD), bao gồm ngô, lúa mì, môtô và quần áo, nhằm đáp trả thuế kim loại của Mỹ. Tuy nhiên, biện pháp này đã được tạm dừng sau khi phía Mỹ công bố gia hạn thời gian đàm phán thêm 90 ngày.
Theo EC, các mức thuế của Mỹ đang ảnh hưởng đến 380 tỷ euro, tương đương 70% giá trị thương mại hàng hóa của EU với Mỹ. Con số này có thể tăng lên tới 97% nếu Mỹ tiếp tục mở rộng điều tra sang các lĩnh vực như dược phẩm, bán dẫn, khoáng sản chiến lược và xe tải.
EU hiện chưa đưa dược phẩm và bán dẫn vào danh sách trả đũa.
EC cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp bị ảnh hưởng gửi ý kiến đóng góp. Trong cuộc tham vấn hồi tháng 3 liên quan đến thuế kim loại, cơ quan này đã nhận được 660 phản hồi.
Hãng BMW - nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị - từ chối bình luận cụ thể, song cho rằng EU cần cân nhắc kỹ lưỡng và ưu tiên giải pháp dựa trên thương mại tự do.
Theo nhóm vận động VDA, các nhà sản xuất Đức như Mercedes-Benz đã sản xuất hơn 844.000 xe tại Mỹ trong năm ngoái, trong đó khoảng một nửa được xuất khẩu.
Hiệp hội Đồ uống chưng cất châu Âu (spiritsEUROPE) kêu gọi hai bên khẩn trương đàm phán để đạt được thỏa thuận trước đầu tháng 7, nhấn mạnh rằng thương mại rượu xuyên Đại Tây Dương không thuế đã tồn tại từ năm 1997.
EU thừa nhận rằng mức thuế đề xuất không thể tương xứng với khối lượng hàng hóa bị Mỹ áp thuế, do xuất khẩu của EU sang Mỹ (335 tỷ euro năm 2024) thấp hơn nhiều so với nhập khẩu từ Mỹ (532 tỷ euro).
Các quan chức EU khẳng định khối này muốn đưa ra phản ứng mang tính "tương xứng" thay vì làm leo thang căng thẳng thương mại. Trong năm 2024, Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ lên tới 75 tỷ USD với EU.
Ủy ban cũng đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu phế liệu thép và sản phẩm hóa chất trị giá 4,4 tỷ euro sang Mỹ, trong đó phế liệu không thuộc diện bị Mỹ đánh thuế kim loại nhưng có nguy cơ bị tuồn ra ngoài EU để trốn thuế.
Cuối cùng, EU cho biết sẽ khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - bước đi mở đầu bằng các cuộc tham vấn song phương.
Ngày 7/5, Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho biết hai bên vẫn đang đàm phán và Washington đang thúc giục EU giảm thuế và rào cản pháp lý để cải thiện quan hệ thương mại song phương.