Chủ động xây dựng phương án sản xuất phù hợp với thị trường

Năm 2016, một số hộ dân ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đã liên kết thành lập HTX Nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban, phát triển nuôi cá lồng và trồng rừng. Khi mới thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, với 38 lồng cá. Gần 7 năm sau, HTX phát triển lên 12 thành viên với 160 lồng cá, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực nuôi cá của các thành viên, anh Lò Văn Ban, Giám đốc HTX, kể: Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, HTX gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên sức cạnh tranh kém, thị trường tiêu thụ không ổn định... Ban quản trị HTX đã tập trung xây dựng phương án sản xuất, vận động thành viên tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; đưa các loại cá có giá trị kinh tế cao vào nuôi; thực hiện tốt quy trình liên kết sản xuất và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương, như: Sắn, cỏ voi, ngô, lá chuối... làm thức ăn cho cá. Do vậy, chất lượng sản phẩm được nâng lên, được nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận biết đến, tin dùng.

Thành viên HTX Nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban kiểm tra lồng cá.

Thành viên HTX Nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban kiểm tra lồng cá.

Trung bình mỗi lồng cá có diện tích gần 20m², thu được 250-300 kg cá thương phẩm/lồng; thu nhập bình quân của thành viên HTX đều đạt từ 150 triệu đồng/năm. HTX thống nhất liên kết giữa các thành viên trong ký kết hợp đồng dịch vụ đầu vào với các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, các thành viên HTX thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cá, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra đàn cá để có biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời. Với quy trình nuôi đảm bảo, sản phẩm cá của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã tích cực chủ động tìm các doanh nghiệp, nhà hàng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định. Hiện nay, hầu hết cá của HTX được tư thương thu mua, bán về các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Anh Lù Văn Phát, thành viên HTX, cho biết: Tham gia HTX, tôi được chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn cách làm lồng kiên cố, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; tư vấn lựa chọn nuôi các loại cá phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Từ 2 lồng cá năm 2012, đến nay, gia đình tôi đã có 12 lồng cá; trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng.

Trước sự tăng giá cao của thức ăn chăn nuôi, HTX đã tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào cho các thành viên. Theo đó, HTX đầu tư máy chế biến thức ăn cho cá, theo tính toán, giá thị trường 1 bao cám viên nổi cho cá trọng lượng 25kg, có giá 380 nghìn đồng, nếu đầu tư máy chế biến thức ăn, chi phí sẽ giảm xuống còn 350 nghìn đồng. Ngoài ra, HTX vận động các thành viên khai thác lợi thế trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các thành viên HTX hiện đang duy trì và chăm sóc 50 con bò, 10 con trâu và 40 con lợn nái.

Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, ngoài sự đầu tư của thành viên, HTX rất mong các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng quy mô nuôi cá; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp HTX phát triển bền vững.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-xay-dung-phuong-an-san-xuat-phu-hop-voi-thi-truong-53955