Chư Sê mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai chương trình hỗ trợ giống lúa mới chất lượng cao để giúp người dân từng bước thay đổi phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa trung bình đạt 6,5-7 tấn/ha, cao hơn giống lúa địa phương 1-1,5 tấn/ha.

Từ năm 2020 đến nay, để giúp người dân thay đổi dần những giống lúa địa phương kém hiệu quả, UBND huyện Chư Sê giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai hỗ trợ gần 3.000 lượt hộ sản xuất giống lúa mới Đài Thơm 8, An Sinh 1399 với diện tích gần 616 ha, tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông Siu Juông (làng O Bung, xã Ia Ko) vui vẻ nói: “Vụ Đông Xuân 2021-2022, nhà tôi được hỗ trợ hơn 30 kg lúa giống Đài Thơm 8 để gieo sạ 3 sào. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt, thu hoạch được gần 30 bao lúa, tăng hơn vụ trước cả chục bao. Giống lúa mới cây cứng, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bông to nhiều hạt, kháng chịu sâu bệnh tốt, gạo thơm ngon. Vụ Đông Xuân 2022-2023, tôi tiếp tục mua giống lúa Đài Thơm 8 về trồng”.

Người dân huyện Chư Sê thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam

Người dân huyện Chư Sê thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam

Còn ông Kpuih Moh-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn O Bung-cho biết: Người dân trong làng được huyện hỗ trợ giống lúa Đài Thơm 8 để gieo trồng trên 18 ha. Qua thu hoạch cho thấy, năng suất cao gần gấp đôi so với giống lúa cũ. “Gia đình tôi cũng được hỗ trợ giống lúa mới để gieo sạ 2 sào. Những năm trước, diện tích này chỉ thu được gần 8 tạ lúa, nhưng năm nay thu được nhiều hơn hẳn. Hy vọng sản xuất giống lúa mới sẽ giúp gia đình không chỉ đủ ăn mà còn có sản phẩm để bán”-ông Moh nói.

Ông Trịnh Khắc Dương-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ko-cho hay: Hàng năm, người dân trên địa bàn xã sản xuất khoảng 172 ha lúa Đông Xuân và 140 ha lúa vụ mùa. Trước đây, bà con sử dụng giống lúa cũ năng suất chỉ đạt 3,5-4 tấn/ha. Trong vụ Đông Xuân 2021-2022, xã có 324 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ giống lúa mới Đài Thơm 8 để sản xuất trên diện tích hơn 80 ha, qua khảo sát, năng suất đạt hơn 6 tấn/ha. Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, ngoài giống lúa Đài Thơm 8, huyện còn hỗ trợ người dân triển khai 5 ha lúa giống mới An Sinh 1399. Đây là một trong những giải pháp giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa giống lúa mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Đài Thơm 8 là giống lúa thuần chất lượng, năng suất cao do Vinaseed Group nghiên cứu chọn tạo. Giống này đã được trồng thử nghiệm ở các xã trên địa bàn huyện như: Ayun, Bờ Ngoong, Bar Măih trong các mùa vụ trước và đem lại năng suất khả quan, được người dân đánh giá cao. Ưu điểm của giống Đài Thơm 8 là cứng cây, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bông to nhiều hạt, tỷ lệ lép thấp, chịu bệnh đạo ôn, rầy nâu, chất lượng hạt gạo thơm ngon, thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân 110-115 ngày.

Người dân xã Ayun thu hoạch lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Lê Nam

Người dân xã Ayun thu hoạch lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Loan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Thời gian qua, trên cơ sở dự báo về diễn biến thời tiết của cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các địa phương lịch thời vụ gieo trồng ở từng vùng, khu vực; hướng dẫn người dân sử dụng cơ cấu giống cây trồng phù hợp, nhất là những giống lúa chủ lực, chất lượng cao đã qua khảo nghiệm là HT1, OM4900, ML48, Đài Thơm 8, Nhị Ưu 838… Còn đối với những chân ruộng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, các địa phương hướng dẫn người dân linh hoạt gieo sạ sớm hơn lúa đại trà và sử dụng giống ngắn ngày. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước; tăng cường bón lót phân hữu cơ, bón phân vô cơ cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn. Huyện cũng chú trọng mở rộng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic; đẩy mạnh cơ giới nông nghiệp sản xuất lúa từ khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến.

“Qua đánh giá thực tế, năng suất lúa trung bình đạt 6,5-7 tấn/ha, cao hơn giống lúa địa phương 1-1,5 tấn/ha. Việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất đã giúp người dân vùng dân tộc thiểu số thay đổi những giống lúa cũ năng suất thấp để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Trên cơ sở thành công của các chương trình hỗ trợ giống lúa, Trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tiếp tục sản xuất giống lúa này trong những vụ tiếp theo”-bà Loan cho biết thêm.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202212/chu-se-mo-rong-dien-tich-lua-chat-luong-cao-5798993/