Chủ tịch nước dự Lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt
Chiều 15/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và tỉnh Bình Định.
Năm 2014, Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Năm 2015, tỉnh đã xây dựng, nâng cấp tôn tạo quần thể Khu di tích, với mong muốn tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của Triều đại Tây Sơn, công lao của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, đưa Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt trở thành điểm đến văn hóa-lịch sử phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2020, công trình xây dựng mở rộng Khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tiếp tục được triển khai, gồm các hạng mục: xây dựng Nhà Tiền bái (thờ các văn thần, võ tướng), Nhà Thượng điện (thờ Tây Sơn Tam kiệt), cải tạo sửa chữa Nhà Tiền tế (thờ thân phụ, thân mẫu và gia tiên), cải tạo xây dựng lại Nhà bia, nghi môn và phần hạ tầng kỹ thuật... Đến nay, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa-lịch sử của di tích.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng về Tây Sơn Tam kiệt, về người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ. Quang Trung-Nguyễn Huệ là một thiên tài đa diện, biết chiêu hiền đãi sĩ, thuyết phục cựu thần, khuyến trọng hiền tài, mở mang nông thương, chấn hưng giáo dục, cải cách văn hóa vượt khuôn thước sáo mòn của thời đại mình. Sự nghiệp Nhà Tây Sơn với thời gian không dài, nhưng dấu ấn lừng lẫy đã để lại cho lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi. Tinh thần của Phong trào Tây Sơn, tinh thần Quang Trung-Nguyễn Huệ, tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi mãi tiếp sức cho thế hệ con cháu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước vươn lên ngang tầm thời đại, sánh vai với các dân tộc văn minh hùng cường ngày nay.
Nhân dân Bình Định bao đời nay đã không ngừng gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống Quang Trung, dù trong chiến tranh hay hòa bình. Bình Định đã cùng cả nước sát cánh kề vai, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày một thêm đàng hoàng, tươi đẹp. Bình Định trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về kinh tế của miền trung và Tây Nguyên.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ năm 2012, dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung thuộc di tích Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo triển khai. Thông qua giá trị lịch sử, khoa học, văn hóa từ di tích Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, mà đặc biệt là thiết chế Bảo tàng Quang Trung, công chúng được thưởng thức và có cơ hội hiểu biết về kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao của triều đại Tây Sơn, nhất là Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ. Các chính sách về phát triển đất nước thời bấy giờ là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc.
Việc tôn tạo, phát huy giá trị Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình di sản độc đáo này. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Bình Định, của người Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Tô đậm nét một hệ thống di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ và trao truyền lại cho cháu con bằng trí lực, mồ hôi và cả máu xương.
Chủ tịch nước biểu dương Đảng bộ và nhân dân Bình Định-chủ thể di sản đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị đặc sắc từ di tích đặc biệt này thông qua các hình thức khai thác sử dụng, tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, của tỉnh Bình Định, các nhà khoa học trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt; đã quan tâm đặc biệt, dày công tổ chức nghiên cứu, thiết lập, thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Quang Trung.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nước dành cho Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung, cũng như bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nói riêng. Chủ tịch nước cũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tổ chức liên quan hợp tác chặt chẽ, triển khai thật nghiêm túc và hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, sớm lập Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di tích quốc gia đặc biệt này. Nhận thức rõ hơn nữa tầm quan trọng của những sáng tạo mang đặc trưng của Phong trào Tây Sơn, tạo thêm động lực để tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống xã hội, đưa hệ thống di sản Tây Sơn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thêm sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam. Thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các tổ chức khoa học ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện đang nghiên cứu, khai thác di sản Tây Sơn.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã dâng hoa lên Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, cắt băng khánh thành, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.
* Chiều cùng ngày, tại huyện Tây Sơn (Bình Định), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Dự án Đập dâng Phú Phong. Cùng dự có lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Dự án Đập dâng Phú Phong có tổng mức đầu tư hơn 754 tỷ đồng, dự kiến thi công trong thời gian 28 tháng. Hạng mục chính của Dự án là đập dâng, có kết cấu bằng bê-tông cốt thép. Với tổng chiều dài đập là 589 m, công trình được xây dựng nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ các nhu cầu cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực, tạo động lực phát triển các ngành du lịch dịch vụ.
Công trình còn kết nối giao thông 2 bờ sông Kôn, từ Quốc lộ 19 đến Quốc lộ 19B, đi sân bay Phù Cát và kết nối trung tâm huyện lỵ Tây Sơn với các xã phía bắc của huyện và các xã phía tây huyện Phù Cát, tạo điều kiện cho việc giao thương được thuận lợi và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, dự án còn đảm nhận thêm nhiệm vụ điều hòa không khí, tạo nguồn cung cấp nước ngầm cho khu vực và góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.