Chủ tịch nước: Không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân

Theo Chủ tịch nước, Luật Cảnh vệ sẽ tạo thành hành lang pháp lý để các cơ quan phối hợp và đặc biệt là để nhân dân biết, hiểu về trách nhiệm bảo vệ, che chở.

Lãnh đạo nước ngoài rất thoải mái khi ở Việt Nam

Phát biểu tại tổ về dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, lực lượng cảnh vệ có từ rất lâu, ngay khi có Đảng, là ta đã hình thành công tác bảo vệ cán bộ chủ chốt.

Rõ ràng nhất là khi Bác Hồ trở về nước, dù chưa giành chính quyền nhưng ta phải hình thành đội ngũ bảo vệ Bác và các cán bộ quan trọng trước các thế lực thù địch.

Sau hơn 100 năm, các lực lượng này đã trưởng thành, chưa để xảy ra sự việc ảnh hưởng tới an toàn của lãnh đạo.

Khi có Luật Cảnh vệ, sẽ tạo thành hành lang pháp lý rõ ràng, để các cơ quan phối hợp và đặc biệt là phổ biến trong nhân dân để nhân dân biết, hiểu về trách nhiệm bảo vệ, che chở.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại tổ, góp ý về dự thảo Luật Cảnh vệ.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại tổ, góp ý về dự thảo Luật Cảnh vệ.

"Chúng tôi luôn xác định không ai bảo vệ tốt nhất, vững bền nhất bằng nhân dân, còn các lực lượng chức năng theo quy định là lực lượng nòng cốt, thực hiện công tác có trọng tâm, trọng điểm", Chủ tịch nước nói.

Chia sẻ về công tác cảnh vệ, Chủ tịch nước cho biết, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho lãnh đạo, lực lượng cảnh vệ còn có nhiệm vụ liên quan tới lễ tân đối ngoại, thực hiện các nghi thức quốc gia.

"Có những mặt chúng ta phải phô trương, thể hiện hình ảnh quốc gia và là quy định quốc tế chung cần phải tuân thủ. Khi lãnh đạo ta ra nước ngoài, ta cũng phải phối hợp, tuân thủ quy định của cả trong nước và nước ngoài để đảm bảo an ninh, an toàn. Các nước vào Việt Nam cũng phải tuân thủ hệ thống pháp luật của Việt Nam", Chủ tịch nước cho biết.

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, chúng ta đã đón rất nhiều quốc gia, nhiều nước khi tới thăm đòi hỏi phải thực hiện quy định đảm bảo an ninh của họ, đưa ra nhiều yêu cầu lễ tân, tiếp đón và đảm bảo an ninh an toàn cho các lãnh đạo. Nhiều lúc, quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm có nhiều lúc rất căng thẳng.

Song, "yêu cầu nào phù hợp thì ta đồng ý, còn không, chúng ta cũng yêu cầu nước bạn cần chấp thuận quy định Việt Nam, khẳng định khi vào Việt Nam các bạn đã là quốc khách và trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo vệ, bảo đảm an toàn cho lãnh đạo", ông Tô Lâm nói thêm.

Trong khi đó, có trường hợp lãnh đạo ta ra nước ngoài nhưng nước bạn lại không có quy định giống như Việt Nam.

"Theo luật, đội cảnh vệ chỉ khoảng 10 người nhưng biện pháp của nước bạn không đảm bảo yêu cầu trong nước thì ta phải tự triển khai. Có nhiều khi, anh em phải thức ngày đêm đến tối muộn cũng chưa được ăn uống", ông chia sẻ.

Song, sau nhiều khó khăn, theo Chủ tịch nước, lãnh đạo các nước đánh giá rất cao lực lượng cảnh vệ Việt Nam.

"Có lần, một Tổng thống nước bạn đã chuẩn bị về, đi đến nửa cầu thang lại quay lại chỉ vì quên chưa chụp ảnh cùng cảnh vệ và cảm ơn anh em. Điều đó cho thấy họ rất cảm phục về việc đảm bảo an toàn cho lãnh đạo", Chủ tịch nước chia sẻ.

Nhiều lãnh đạo nước bạn tới Việt Nam rất thoải mái đi ăn bún, phở, bánh mỳ đi dạo hồ, công viên. "Chỉ khi họ cảm nhận được đảm bảo an toàn, mới thoải mái đi lại như vậy", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bảo vệ lãnh đạo là công việc quan trọng, phức tạp

Góp ý về dự thảo Luật Cảnh vệ, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết hoàn toàn tán thành, đồng tình cao với tờ trình dự thảo Luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, qua một số ý kiến đại biểu thảo luận việc dự luật đã bổ sung đối tượng cảnh vệ, bổ sung sự kiện cảnh vệ, bổ sung mục tiêu cảnh vệ… đa số đồng thuận rất cao.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội

"Đối tượng của cảnh vệ là bảo vệ các yếu nhân, lãnh tụ là chính. Về lý luận cũng như thực tiễn, yếu nhân là con người thuộc đối tượng bảo vệ đặc biệt. Các sự kiện có yếu nhân đòi hỏi phải có bảo vệ đặc biệt.

Thực tiễn vừa qua ở một số quốc gia khi có cả Thủ tướng bị ám sát cũng đã cho thấy tính phức tạp của việc này, đây là bài học cho thấy nước nào cũng coi đây là công tác đặc biệt quan trọng", ông Trung nói.

Về dự thảo quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp đặc biệt, đại biểu Trung cho biết, thực tế không chỉ nước ta mà ở các nước khác cũng đã áp dụng quy định này rất linh hoạt, nhất là trong đối ngoại, quan hệ quốc tế.

"Chẳng hạn, trong quan hệ quốc tế chúng ta có "đối ngoại Đảng", tuy nhiên hiện nay nhiều Tổng thống của các nước tư bản đã tiếp Tổng Bí thư, chủ tịch Đảng của các nước khác theo nghi lễ quốc gia, nên yêu cầu cảnh vệ cũng phải áp dụng một cách linh hoạt", ông Trung lấy ví dụ.

Nhấn mạnh vì yêu cầu chính trị, ông Trung cho rằng, cần phải cho phép Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ đã được quy định trong luật với đối tượng, trường hợp cảnh vệ một cách linh hoạt, theo tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến.

"Dĩ bất biến ở đây là các biện pháp cảnh vệ này đã được cụ thể hóa trong luật và thuộc thẩm quyền của bộ trưởng. Ứng vạn biến là căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể thì bộ trưởng được quyền quyết định sử dụng một trong số các biện pháp đó", đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-nuoc-khong-co-ai-bao-ve-tot-bang-nhan-dan-192240524190831732.htm