Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ có 'TP trong làng, làng trong TP'

Đại biểu đề xuất cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cho các địa phương; đồng thời rà soát, cắt bớt những thủ tục không cần thiết ở những khâu này.

Chiều 20-6, tiếp tục kỳ họp 7, các đại biểu đã nghe báo cáo tờ trình, thẩm tra và thảo luận tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Làm rõ mối quan hệ giữa ba loại quy hoạch

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được chỉnh lý gồm sáu chương, 65 Điều, trong đó có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý là quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. Làm rõ về phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, dự thảo luật cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các TP trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập TP trực thuộc Trung ương. Cạnh đó còn bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay cơ quan này nhất trí sự cần thiết ban hành Luật này, tuy nhiên đề nghị báo cáo, làm rõ cơ sở của việc quy định “quy hoạch chung đối với TP trực thuộc trung ương, quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành lập TP trực thuộc trung ương” là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn tương ứng với nội dung dự thảo Luật sửa đổi bảo đảm tính thống nhất nội tại của Luật Quy hoạch.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các quy định, làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định rõ căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch này, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung huyện với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, giữa quy hoạch chung xã với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tới đơn vị hành chính cấp xã tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xử lý trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch này.

“Trường hợp tỉnh dự kiến trở thành TP trực thuộc trung ương thì cần làm rõ mối quan hệ giữa ba quy hoạch cùng tồn tại trên địa bàn tỉnh là quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành TP trực thuộc trung ương và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: NT

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: NT

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương

Phát biểu tại thảo luận tổ sau đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhìn nhận quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra rất nhanh. Theo báo cáo, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra còn có 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và 703 đô thị loại V.

Chính vì vậy, ông cho rằng cần đẩy mạnh nhiều hơn, mạnh mẽ hơn việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đặc biệt là đối với các đô thị loại II cũng như tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Theo ông, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến điều kiện địa lý các khu vực, sự phát triển mạnh mẽ ở các địa phương hay việc nhiều TP trong TP được hình thành…, nếu chúng ta vẫn giữ các quy trình, thủ tục phân cấp như cũ sẽ không thể đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính.

Từ đó, ông kiến nghị ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng hơn với hai nội dung. Gồm tăng cường phân cấp phân quyền trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời rà soát cắt bớt những thủ tục không cần thiết ở các khâu trên.

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói bên cạnh thể chế hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thì dự luật cần cập nhật các xu hướng phát triển đô thị mới.

“Hôm qua TP.HCM báo cáo thường trực chính phủ về quy hoạch TP. Thủ tướng cũng đã cho định hướng quy hoạch TP theo hướng “TP trong làng, làng trong TP”. Như vậy ở các vùng nông thôn sẽ có các đô thị xanh, đô thị sinh thái…” – ông Mãi nói và cho rằng tất cả những vấn đề này phải được nghiên cứu, thể hiện rõ trong dự án luật.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QP

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QP

Lấy ví dụ tại Singapore, ông Mãi nói họ có hai mô hình nhà ở rất rõ. Mô hình thứ nhất là tổ chức thành các khu hạ tầng thông minh, đồng bộ, có các khu chức năng tốt hơn. Mô hình khu cao cấp hơn thì có R&D, các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, có phòng thí nghiệm, nhà sản xuất mẫu, trường đại học, viện… Từ đó ông đề nghị nên có sự tiệm cận để tính toán áp dụng ở Việt Nam.

Ông cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Trần Hoàng Ngân về phân cấp, phân quyền trong xác định các loại hình đô thị, vùng nông thôn, đặc biệt là trong tiến hành các thủ tục lập mới, điều chỉnh, triển khai, xây dựng các khu này để làm sao được tốt hơn.

“Trong luật phải định ra rõ chỗ nào Trung ương ra quy hoạch, khung chiến lược, khung chiến sách, còn vấn đề thủ tục thì giao lại cho các cấp chính quyền thực hiện” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Quy hoạch hướng tới sự phát triển bền vững

Một vấn đề khác, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dù quy hoạch đô thị hay nông thôn thì đều phải hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó lấy yếu tố công nghệ làm tiêu chí hàng đầu cho phát triển đô thị và nông thôn, xử lý các vấn đề đặt ra của đô thị như ngập nước, giao thông, xử lý nước thải, rác thải, thích ứng với biển đổi khí hậu…

Ông Mãi cũng cho rằng quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn có đóng góp rất quan trọng vào mục tiêu Net Zero, phát triển bền vững đến năm 2050.

Bởi theo ông, công nghệ xây dựng và xử lý các vấn đề của đô thị cũng có thể tạo ra thêm phát thải, thêm những thách thức trong sự phát triển…, do vậy trong luật cần có những nghiên cứu, quy định cụ thể.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-phan-van-mai-tphcm-se-co-tp-trong-lang-lang-trong-tp-post796624.html