Chủ tịch Quốc hội: Cải cách thể chế, pháp luật để thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt với Chính phủ để cải cách thể chế, pháp luật để thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 6 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 13

Toàn cảnh buổi thảo luận tại Tổ 13

Nhiều kết quả nổi bật nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Tổ, bày tỏ đặc biệt quan tâm tới tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Chủ tịch Quốc đã điểm lại những kết quả nổi bật đạt được trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng tín dụng tích cực; thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán; an sinh xã hội được thực hiện tích cực, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà tre lá trong tháng 10/2025…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một loạt khó khăn phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm 2025. Theo đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Về mặt chủ quan, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm. Sức mua, phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ. Người dân hoang mang, lo sợ vì hàng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan…

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi không được phép chủ quan, lơ là. Theo đó cần linh hoạt trong chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế. Chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.Thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường xuất khẩu, bên cạnh củng cố thị trường truyền thống cần mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng. “Trong đầu tháng 4/2025 tôi đã có chuyên công tác tại Armenia, Uzbekistan. Nước bạn cho biết rất cần thị trường Việt Nam và mình cũng rất cần thị trường của hai nước này. Mới đây, đầu tháng 5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có chuyến công tác tại Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, đây là những thị trường truyền thống ở Trung Á mà chúng ta còn ít quan hệ. Trong thời gian tới cần phải tăng cường”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu, phải chú trọng cải thiện an sinh xã hội, nhất là giải quyết tình hình thất nghiệp, không có việc làm. “Hiện nay chúng ta đẩy mạnh sắp xếp bộ máy nhưng sắp xếp xong thì số cán bộ, công chức, viên chức, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đó làm gì để tiếp tục ổn định cuộc sống, cần phải có giải pháp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 13

Trước những bức xúc của dư luận về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng gần đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cũng như Ban chỉ đạo 389 tại các tỉnh cùng với các sở, ban, ngành liên quan phải tích cực vào cuộc, tăng cường quản lý thị trường, xử lý quyết liệt hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng, an tâm. “Trong mấy tuần qua bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật mình có, Ban chỉ đạo mình có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế. Vấn đề này mình phải kiểm điểm nghiêm túc. Với hơn 100 triệu dân chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Gấp rút thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đồng hành tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ cải cách thể chế pháp luật mạnh mẽ, thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Quốc hội đã làm việc trên tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, ngay tại Kỳ họp thứ 9, hai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 ) được Quốc hội hết sức ủng hộ, thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội.

"Chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thì Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thể chế hóa chủ trương của Đảng để triển khai thực hiện. Phải nói là lịch sử trong hoạt động của Quốc hội. Bây giờ khâu triển khai thực hiện làm sao cho tốt để từ nay tới 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ, ngoài cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, còn nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong thời gian tới, trong đó kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026); Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; Bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp… Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian không còn nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

“Tại Kỳ họp này, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội rất lớn. Qua hơn hai tuần làm việc, chúng ta thấy tinh thần trách nhiệm, khí thế hồ hởi, phấn khởi trong tham gia thảo luận ở Tổ, tham gia thảo luận ở Hội trường của các đại biểu rồi nhấn nút thông qua 4 Nghị quyết vừa qua là hầu như thống nhất rất cao”, nêu rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần, mạnh dạn hiến kế để các cơ quan tiếp thu.

Đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Để kinh tế tư nhân thực sự là đòn bẩy tăng trưởng

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 6,93% là một con số tích cực trong bối cảnh thế giới nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, để chạm mốc mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm thì các quý còn lại buộc phải đạt bình quân khoảng 8,4% - đây là một thử thách lớn khi nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn những rủi ro về địa chính trị, tài chính, thương mại và dòng vốn đầu tư, đặc biệt là thách thức đến từ chính sách thuế của Hoa Kỳ và tác động của chiến tranh thương mại.

Theo đại biểu Nguyễn Như So, trong bức tranh ấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân, vốn được xem là “đòn bẩy tăng trưởng” đang có dấu hiệu suy yếu. Riêng quý I/2025, mỗi tháng có hơn 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn 8,2% so với số lượng 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng “chúng ta không thiếu quyết tâm, cũng không thiếu chính sách”. Ngày 17/5/2025 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 năm 2025 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. “Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Để chính sách đặc biệt này đi vào thực tiễn, có chuyển biến tích cực, tránh rơi vào tình trạng "lặp lại mục tiêu cũ, nhưng không có kết quả mới", đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần phải có một cuộc “đại phẫu” thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng Bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.

Theo đại biểu, đã từng có Khoán 10 làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.

“Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế 'giấy phép im lặng', nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai”, đề xuất điều này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng có thể áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án qui mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”.

Các đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Các đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Như So, nghiên cứu, thể chế chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc qui định 1 điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế, theo đó chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải. “Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải “đi đường dài với đôi chân trần” giữa mê cung thủ tục”, đại biểu nhấn mạnh.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng “một thể chế đủ sâu để nuôi dưỡng, đủ rộng để bảo vệ, đủ linh hoạt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, trong đó tập trung xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể có tính định lượng, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá độc lập có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, kể cả cơ chế báo cáo ẩn danh, bảo vệ người phản ánh, công khai kết quả thực hiện, cũng như chế tài xử lý nếu không hoàn thành mục tiêu.

“Và một điều vô cùng quan trọng là cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Không để “quản lý kém” thì cấm học thêm, dạy thêm

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến đánh giá tình hình thực hiện quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm. Theo đại biểu Thái Thu Xương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, vấn đề dạy thêm học thêm là nhu cầu thiết thực của người dân, phụ huynh, học sinh. Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào cho chặt, chứ không phải không quản lý được là cấm, “nếu cấm là quản lý kém”, đại biểu Thái Thu Xương nhấn mạnh.

Cùng với đó đại biểu bày tỏ băn khoăn, tới đây nếu như việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện, Phòng giáo dục huyện không còn, trong khi địa bàn sáp nhập thì rộng hơn, vai trò quản lý nhà nước về học thêm dạy thêm như thế nào.

Các đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Các đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm xét ở một góc độ nào đó là tất yếu, nhất là khi nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh rất cao. “Việc học thêm để nâng cao kiến thức, nâng cao điểm số là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ra sao, cách quản lý, vận hành trung tâm và cả điều kiện dạy và học có đúng theo quy định hay không là điều đáng bàn”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, trong Thông tư 29 có yêu cầu các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải được cấp phép, công khai thông tin và tuân thủ quy định về thời gian, nội dung giảng dạy, nhưng việc triển khai ở các địa phương còn thiếu đồng bộ, đặc biệt ở các khu vực có nhiều trung tâm dạy thêm. Tại điều 6, quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chưa quy định cụ thể về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy do đó gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Nhiều trung tâm uy tín đang cung cấp chương trình học chất lượng, có kiểm định, có giảng viên chuyên môn, góp phần hỗ trợ đáng kể cho học sinh yếu, học sinh cần ôn luyện nâng cao, học sinh muốn phát triển tư duy. Tuy vậy, theo đại biểu, về mặt nhân sự, không phải trung tâm nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc có kinh nghiệm sư phạm. Việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ khiến chất lượng giảng dạy tại nhiều trung tâm cũng là một điều đáng lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất, các cơ quan chức năng tăng cường giám sát để đảm bảo các trung tâm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tuân thủ quy định, tránh tình trạng “lách luật” hoặc hoạt động “chui”, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nội dung chương trình. Công khai thông tin các cơ sở được cấp phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo, gồm: tên trung tâm, địa chỉ, danh sách giáo viên, môn học, học phí, thời gian hoạt động...; Tăng cường các đoàn kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất tại các địa phương; Công khai danh sách các trung tâm vi phạm trên các kênh truyền thông để răn đe và phụ huynh được biết.

Dương Dung

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/su-kien-noi-bat.aspx?itemid=94262