Chủ tịch Quốc hội: Phải tập trung cho đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 6/5, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại Tổ về 3 dự án Luật, gồm: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự họp và cho ý kiến tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk).

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự họp tại Tổ 13, chiều 6/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự họp tại Tổ 13, chiều 6/5. Ảnh: Phạm Thắng.

Phải cập nhật ngay nội dung mới tại các Nghị quyết của Bộ chính trị đã ban hành

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, 3 dự án Luật nêu trên đều là các luật quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đối với Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong lần sửa đổi này, Luật cần phải cập nhật được các nội dung mới tại các Nghị quyết rất quan trọng mà Bộ Chính trị đã ban hành vừa qua, bao gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự họp và cho ý kiến tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự họp và cho ý kiến tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

Nêu rõ, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới lĩnh vực khoa học công nghệ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh về việc tạo cơ chế thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho đất nước phát triển, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2025 muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% và tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tiếp theo thì phải tập trung cho đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

“Luật sửa đổi lần này phải thực sự đột phá, vượt trội, mới hơn so với Nghị quyết 193 mà Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường, cũng như Luật khoa học và công nghệ 2013”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đi vào góp ý cụ thể, về tên gọi của của Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần đổi thành Dự án “Luật Khoa học, công nghệ sửa đổi và đổi mới sáng tạo”.

“Việc này cũng là để công bố cho cả trong nước và quốc tế thấy được Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chúng ta đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ từ năm 2013. Bây giờ theo yêu cầu của Nghị quyết số 57 và yêu cầu của tình hình mới thì Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi và bổ sung thêm một lĩnh vực nữa là đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

 Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Dự thảo luật cần làm rõ khái niệm và phạm vi “đổi mới sáng tạo”. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo hiện nay mới thiên về công nghệ chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như là đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, về mô hình kinh doanh hay là quản lý. Do đó, đề nghị cần bổ sung rõ phạm vi đổi mới sáng tạo rộng hơn, bao gồm cả các sáng tạo phi công nghệ.

“Ví dụ như đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, rồi quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc là phi công nghệ mang lại gia tăng và ứng dụng thực tế. Làm rõ phạm vi điều chỉnh là đảm bảo lĩnh vực văn hóa, giáo dục và quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng.

Cần đơn giản hóa thủ tục để xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp

Nhất trí với một số ý kiến đại biểu nêu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải tăng cường hơn về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính nếu Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo này ra đời. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện dự thảo chưa có điều khoản cụ thể, đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ.

 Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng.

“Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ vấn đề này. Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam là 0,44% GDP. Con số này còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

“Các nước rất ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển. Tôi góp ý cụ thể là quy định rõ về chính sách ưu đãi thuế là phải mạnh mẽ. Ví dụ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học. Ban soạn thảo và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tiếp tục nghiên cứu thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đơn giản hóa các thủ tục, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đổi mới tư duy làm luật, Quốc hội chỉ quy định khung, Chính phủ sẽ ban hành nghị định, Bộ ban hành thông tư nhưng tất cả phải đảm bảo thông suốt từ Quốc hội, Chính phủ tới Bộ trong việc đơn giản hóa thủ tục thương mại, xóa bỏ rào cản để cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển…

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/chu-tich-quoc-hoi-phai-tap-trung-cho-dot-pha-ve-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-177274.html