Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng báo cáo Thủ tướng về dự án cảng biển Trần Đề

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự án cảng biển Trần Đề và mong muốn Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm, định hướng để tỉnh thực hiện tiếp dự án.

Báo cáo trực tiếp Thủ tướng

Chiều 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng ĐBSCL có hai nút thắt cơ bản là giao thông và nhân lực. Đảng và Nhà nước rất quan tâm dành nhiều nguồn lực để gỡ hai nút thắt cho vùng nên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng và đào tạo nhân lực cho vùng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sóc Trăng rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, mối tương quan cảng biển Trần Đề với các cảng biển khác, rồi đề xuất lại đến Chính phủ. Ảnh: H.X/Báo Dân Việt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sóc Trăng rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, mối tương quan cảng biển Trần Đề với các cảng biển khác, rồi đề xuất lại đến Chính phủ. Ảnh: H.X/Báo Dân Việt.

Liên quan đến vấn đề hạ tầng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà thông tin, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 cả nước có 5.000km cao tốc. Trong đó, vùng ĐBSCL là 1.256km cao tốc đường bộ quy mô từ 4-10 làn xe, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang.

Liên quan đến một dự án “siêu lớn” tại khu vực ĐBSCL là cảng biển Trần Đề, Chủ tich UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã có báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.

 Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng.

Phối cảnh tổng thể bến cảng Trần Đề, cảng biển Sóc Trăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, ĐBSCL rất cần có 1 cảng đầu mối như cảng biển Trần Đề để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng. Qua đó, giúp giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Cảng biển Trần Đề cũng nằm trong quy hoạch của cảng biển Việt Nam, trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị cũng xác định đây là cảng biển cửa ngõ vùng ĐBSCL.

Ông Trần Văn Lâu nói rằng, việc xây dựng cảng biển Trần Đề còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trong vùng. Từ đó, thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất các ngành hàng phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của vùng, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống cho người dân.

 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo Thủ tướng về dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh: H.X/Báo Dân Việt.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu báo cáo Thủ tướng về dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh: H.X/Báo Dân Việt.

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đề nghị với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ hỗ trợ 19.000 tỷ đồng vốn nhà nước để xây dựng hạ tầng cơ bản cho dự án Cảng biển Trần Đề. Cụ thể, số vốn này sẽ được đầu tư vào các hạng mục như hạ tầng cơ bản, nạo vét luồng, xây dựng cầu dẫn sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Bởi thực tế, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư tiếp cận, xin tham gia dự án nhưng tỉnh chưa có ý kiến, bởi nhà đầu tư chủ yếu đến từ nước ngoài

“Rất mong Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm, định hướng để tỉnh thực hiện tiếp dự án", ông Trần Văn Lâu nói.

Trả lời Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu về dự án cảng biển Trần Đề, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sóc Trăng rà soát lại để làm rõ chức năng, nhiệm vụ cảng; xem xét mối tương quan giữa cảng Trần Đề với các cảng biển khác trong vùng và cả nước, để có báo cáo, đề xuất trình Chính phủ xem xét.

Dự án thực sự cần thiết đối với ĐBSCL

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, khu vực ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, khu vực đạt được kết quả khá toàn diện, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa phát triển đồng đều, thiếu tính liên kết, chưa có cảng cửa ngõ và các trung tâm logistics.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem quy hoạch chi tiết dự kiến đang trình phê duyệt Cảng biển Sóc Trăng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem quy hoạch chi tiết dự kiến đang trình phê duyệt Cảng biển Sóc Trăng.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng, khi cảng biển Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho cả vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp. Ngoài ra, cảng Trần Đề còn có khả năng thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mê Kông hiện hữu và tuyến cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.Châu Đốc đến cảng Trần Đề từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút được hàng hóa đi và đến các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thuận tiện và ngắn nhất.

“Với những định hướng và chủ trương trên là căn cứ quan trọng để hình thành cảng Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL. Đây là mảnh ghép hoàn hảo giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu khẳng định.

 Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường, dưới góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ: “Trước hết cá nhân tôi hết sức ủng hộ chủ trương đầu tư cảng biển Trần Đề. Với tài liệu cơ quan chức năng trình bày tại hội thảo hôm nay, chúng ta thấy rằng đây là dự án có triển vọng rất lớn, không chỉ có ý nghĩa đối với Sóc Trăng mà có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, cảng Trần Đề có thể trở thành con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng từ Campuchia qua Việt Nam ra biển”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc cũng lưu ý rằng, dự án chỉ có thể thành công khi được áp dụng chính sách đặc thù, vượt trội. Cho dù cảng có tiềm năng lớn, nhưng với cơ chế hiện nay thì chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư, bởi lợi nhuận đầu tư vào cảng thường không lớn, thu hồi vốn lâu. Hơn nữa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chưa phát triển được sản xuất công nghiệp lớn nên dư địa phát triển cảng còn ở tương lai. Chính vì vậy, qua cuộc hội thảo hôm nay, điều tôi trông đợi nhất là các khuyến nghị về chính sách đặc thù, vượt trội để dự án mang tính khả thi.

Ông Tâm khẳng định: “Tôi tin rằng, với khát vọng phát triển và sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, chúng ta sẽ dần thấy hình hài của cảng Trần Đề - một cảng biển lớn tầm cỡ quốc tế. Đầu tư từ hôm nay là đầu tư cho tương lai con cháu chúng ta”.

Dưới góc nhìn chuyên gia, trả vời VOV, Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, Nguyên Chủ Tịch –Tổng thư kí Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định: Thị trường của cảng Trần Đề cực kì lớn, ta nhớ rằng ĐBSCL vận tải chính là đường sông, mà vận tải bằng đường sông thì giá cực kì rẻ. Đồng thời thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà lên tận Phôm – Pênh của Campuchia. Từ trước năm 1975 thì chúng ta đã có tàu 2 ngàn tấn từ ĐBSCL lên được Phôm Pênh mà. Cho nên khi cảng Trần Đề hình thành thì thị trường không chỉ của riêng ĐBSCL mà có cả thị trường Đông Bắc Campuchia.

Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng diện tích quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha. Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km;

15 cầu cảng (mỗi cầu dài 5,5km) có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100.000DWT - 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.

Kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.

Văn Chương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chu-tich-tinh-soc-trang-bao-cao-thu-tuong-ve-du-an-cang-bien-tran-de-98152.html