Chủ tịch TPHCM muốn lập Tập đoàn Sài Gòn: Ý tưởng tốt nhưng nhiều thách thức

Chuyên gia cho rằng khó có thể so sánh ý tưởng thành lập Tập đoàn Sài Gòn tương tự như mô hình của các chaebol tại Hàn Quốc. Bởi chaebol là những công ty tư nhân vươn lên thành những tập đoàn lớn mạnh.

Tại cuộc họp kinh tế - xã hội đầu tiên của TPHCM sau sáp nhập vào đầu tháng 7, Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Được nêu ý tưởng thành lập Tập đoàn Sài Gòn. Cùng với Becamex, TPHCM sẽ có ít nhất hai tập đoàn kinh tế lớn, kết hợp thế mạnh vốn có để hình thành những tập đoàn mạnh tương tự các chaebol của Hàn Quốc.

Ý tưởng đó liệu có khả thi và dễ thực hiện tại TPHCM - siêu đô thị chiếm khoảng 1/4 GDP quốc gia?

Tối ưu hóa nguồn lực

Theo ước tính, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng tài sản, sở hữu 20,5% nguồn vốn và 23,9% lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp, nộp ngân sách nhà nước gần 366.000 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của các DNNN vào GDP là khoảng 29%.

Dẫn số liệu trên từ các báo cáo trong nước, TS Nguyễn Tuấn Anh, Giảng viên Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, ưu điểm của việc thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước gồm: khả năng tối ưu hóa nguồn lực tài chính thông qua quy mô kinh tế, củng cố vai trò Nhà nước trong các ngành chiến lược và thúc đẩy đầu tư hạ tầng.

Thành lập Tập đoàn Sài Gòn là một ý tưởng tốt nhưng quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều thách thức. Ảnh: Nguyễn Huế

Thành lập Tập đoàn Sài Gòn là một ý tưởng tốt nhưng quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều thách thức. Ảnh: Nguyễn Huế

Hiện, TPHCM có 46 DNNN, trong đó có 22 công ty dịch vụ công ích. Việc tập hợp DNNN tại thành phố giúp phân bổ vốn hiệu quả, tăng lợi nhuận và nguồn thu ngân sách, đồng thời dẫn dắt thị trường thông qua các tiêu chuẩn tài chính và đổi mới sáng tạo.

Ông Tuấn Anh dẫn ví dụ về Temasek Holdings (Singapore) - một mô hình thành công trên thế giới, được thành lập năm 1974 và quản lý danh mục 324 tỷ USD (2025). Với xếp hạng tín dụng AAA/Aaa, Temasek Holdings đầu tư vào nhiều ngành như tài chính, công nghệ và nông nghiệp. Đây là một cơ quan thuộc Chính phủ Singapore, nhưng hoạt động như công ty đầu tư thương mại độc lập, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của “đảo quốc sư tử”.

Tương tự, Quỹ đầu tư Khazanah Nasional (Malaysia) được thành lập năm 1993, chuyên đầu tư trong và ngoài nước, trọng tâm là du lịch, ngân hàng và phát triển bền vững. Ngoài ra, các tập đoàn thuộc Nhà nước Trung Quốc như Sinopec, CNPC dẫn đầu ngành dầu khí toàn cầu nhờ quy mô lớn và chiến lược rõ ràng.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thành công của các mô hình trên đến từ quản trị minh bạch, mục tiêu chiến lược rõ ràng và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, tranh cãi về hiệu quả và quản trị của mô hình tập đoàn Nhà nước vẫn tồn tại.

Khó so sánh với mô hình của các chaebol tại Hàn Quốc

Thành lập Tập đoàn Sài Gòn là một ý tưởng tốt nhưng chính quyền TPHCM phải cân nhắc kỹ về đội ngũ quản lý và lĩnh vực tham gia. “Cẩn trọng trong lựa chọn con người và ngành nghề”, TS Từ Minh Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, lưu ý.

Ông cho biết, trước đây nhiều tập đoàn, tổng công ty được thành lập theo Quyết định 90, 91 chủ yếu mang tính kết hợp cơ học, dẫn đến thất bại. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm do hiệu quả thấp, nhưng xã hội lại cần.

 Sau khi sáp nhập 3 địa phương: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM (cũ), lãnh đạo TPHCM muốn thành lập Tập đoàn Sài Gòn, đưa kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Ảnh: TTBC

Sau khi sáp nhập 3 địa phương: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM (cũ), lãnh đạo TPHCM muốn thành lập Tập đoàn Sài Gòn, đưa kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Ảnh: TTBC

“Nếu tư nhân làm được thì nên để tư nhân làm, như vậy mới đúng với tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Bởi, mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, ông Thiện nói với VietNamNet.

Ông lấy ví dụ: Tập đoàn kinh tế Nhà nước có thể tham gia vào những lĩnh vực “khó nhằn” như công nghệ cao hoặc sản xuất chip bán dẫn. Nếu thành công, mô hình này sẽ tạo cú hích về niềm tin cho tư nhân và có thể dẫn dắt thị trường.

Song, ông Thiện cũng cho rằng, khó có thể so sánh ý tưởng thành lập Tập đoàn Sài Gòn tương tự như mô hình của các chaebol tại Hàn Quốc. Bởi, chaebol là những công ty tư nhân vươn lên thành những tập đoàn lớn mạnh nhờ Chính phủ Hàn Quốc có chính sách riêng định hướng ngành và hỗ trợ phát triển tới cùng.

PGS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định: “Tái cấu trúc lại các DNNN tại địa phương là một ý hay, nhưng sau khi thành lập, tập đoàn kinh tế đó trở thành độc quyền thì lại là điều nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Anh Tuấn đánh giá đề xuất thành lập Tập đoàn kinh tế Nhà nước tại TPHCM cũng tiềm ẩn rủi ro. Chuyên gia này lưu ý, những năm 1980, TPHCM đã từng có ý tưởng về tổng công ty công trình đô thị nhưng không khả thi và phải dừng lại.

Các rủi ro tài chính có thể gặp phải như: gánh nặng từ DNNN yếu kém; chi phí tái cơ cấu cao; nguy cơ quan liêu làm tăng chi phí vận hành. Nhiều bài học từ thất bại trước đây của các DNNN cho thấy rủi ro về quản trị yếu kém và phối hợp thiếu hiệu quả.

“Tuy nhiên, đề xuất thành lập Tập đoàn Sài Gòn có tính khả thi nếu được thực hiện đúng, với điều kiện cần quản trị tài chính chuyên nghiệp và quyết tâm cải cách. Cần một lộ trình tài chính rõ ràng, minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro tham nhũng và tối ưu hóa hiệu quả vốn”, giảng viên Đại học RMIT phân tích.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-muon-lap-tap-doan-sai-gon-y-tuong-tot-nhung-nhieu-thach-thuc-2421384.html