Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Phải có cách làm hoàn toàn khác metro số 1

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đến năm 2035 hoàn thành đề án đường sắt đô thị. Như vậy, TPHCM chỉ còn 12 năm, phải có cách làm hoàn toàn khác dự án metro số 1 mới thực hiện được.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng TS Trương Minh Huy Vũ tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng TS Trương Minh Huy Vũ tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 15/12, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp thứ ba của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trong đó có nội dung về đề án xây dựng mạng lưới metro theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, thời gian qua thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu các nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98. Đến nay còn một nghị định Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tham mưu, dự kiến trong tháng 12 sẽ trình Chính phủ ban hành. Còn các hướng dẫn về triển khai điện mặt trời áp mái, tín chỉ carbon, TPHCM cũng chủ động nghiên cứu đề xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Hội đồng tư vấn trong quá trình nghiên cứu đề xuất cho thành phố cách tổ chức thực hiện hiệu quả, thực thi các dự án về BT, BOT, đường sắt đô thị… Theo ông, quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TPHCM có 220 km và quy hoạch này đã gần 20 năm. Riêng triển khai tuyến metro 1 đã mất 15-16 năm mới làm được gần 20 km.

Vừa qua Bộ Chính trị có Kết luận 49, trong đó đặt ra mục tiêu mốc thời gian là đến năm 2035 TPHCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận đây là định hướng chính trị quan trọng và TPHCM dựa vào Nghị quyết 98 để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội để triển khai.

Ông Phan Văn Mãi gợi mở một số vấn đề cần được Hội đồng tư vấn và tổ công tác quan tâm thảo luận, góp ý. Theo đó, mốc thời gian, từ tháng 7/2023, TPHCM đã lập tổ công tác xây dựng đề án theo hướng 200km đường sắt còn lại phải đặt vào tổng thể để triển khai trong 1 đề án, cùng một cơ chế chính sách và khẩn trương hoàn thiện đề án trong năm nay.

TPHCM nỗ lực để đầu năm 2024 trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TPHCM trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình kỳ họp giữa năm, để có đề án về đường sắt đô thị cùng với Hà Nội.

Về cơ chế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thực hiện Kết luận 49, đến năm 2035 hoàn thành đề án đường sắt đô thị. Như vậy, TPHCM chỉ còn 12 năm thực hiện. Do đó, phải có cách làm hoàn toàn khác dự án metro số 1 mới thực hiện được. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế để huy động nguồn vốn, cơ chế về thủ tục đầu tư dự án, rút thời gian thực hiện chuẩn bị dự án…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng lưu ý, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, phải gắn với hệ thống vận hành, duy tu bảo dưỡng. Như vậy phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải gắn với ngành công nghiệp đường sắt, cùng một số vấn đề khác. Từ đó, Chủ tịch UBND TPHCM hy vọng cuộc họp có ý kiến góp ý giá trị, kiên trì mốc thời gian và có giải pháp cụ thể để thực hiện.

Trình bày dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho biết, mục tiêu thực hiện 200km metro đến năm 2035 là hoàn toàn khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm bất thành trong nước và trên thế giới cũng như được thực hiện trên một khung pháp lý mới.

TS Trương Minh Huy Vũ thông tin về hoạt động của Hội đồng. Ảnh: VIỆT DŨNG.

TS Trương Minh Huy Vũ thông tin về hoạt động của Hội đồng. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Đề án cũng đề xuất 6 cơ chế đặc thù để hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, có các cơ chế về quy hoạch, đền bù thu hồi đất, cơ chế tài chính, quản lý dự án đầu tư… Trong đó, đề xuất cho TPHCM lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro. Đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 200km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD theo quy hoạch, hoàn thành trong năm 2035 và phân cấp, ủy quyền cho TPHCM quyết định các vấn đề liên quan…

Với các giải pháp trên, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho rằng sẽ giúp TPHCM hoàn thành mục tiêu 200km đường sắt đô thị vào năm 2035 và tiết kiệm khoảng hơn 10 tỷ USD tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay.

Kỳ Phong

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/chu-tich-ubnd-tphcm-phan-van-mai-phai-co-cach-lam-hoan-toan-khac-metro-so-1-c8a65313.html