Chú trọng thực học - thực nghiệp

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố có nội dung đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình Trung học cơ sở.

Bộ GDĐT cho biết, sự điều chỉnh này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh, đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường; tuân thủ nguyên tắc nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng.

Bên cạnh đó, sự điều chỉnh này cũng phù hợp với bản chất của phổ cập giáo dục THCS là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính. Nhìn ra thế giới, hiện nay các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà giao quyền xác nhận kết quả học tập cho hiệu trưởng, sử dụng như căn cứ học tiếp lên bậc cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp. Vì thế, sự điều chỉnh này nhằm tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập; xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm hai bậc: Trung học nghề và cao đẳng. Trong đó, trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; còn cao đẳng dành cho người học sau trung học phổ thông hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng. Theo Bộ GDĐT, cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

Hiện nay, tốt nghiệp THCS là tiêu chí bắt buộc để học sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Năm 2024 Bộ GDĐT đã bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình trên bằng tốt nghiệp cấp học này.

Thông tin về việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS, thay bằng xác nhận của hiệu trưởng trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều phân tích cho rằng, những năm học vừa qua, gần như 100% học sinh trên cả nước hoàn thành chương trình THCS nhờ chính sách phổ cập giáo dục đã được triển khai rộng khắp. Như vậy, bằng tốt nghiệp THCS thực tế chỉ là một điều kiện thủ tục hành chính để học sinh tiếp tục dự tuyển/xét tuyển vào lớp 10 hoặc học nghề. Trong bối cảnh mới, việc tiếp tục tổ chức cấp bằng THCS không còn phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), không đem lại giá trị thực tiễn, mà còn tạo thêm thủ tục, chi phí và tiềm ẩn nguy cơ hình thức hóa trong công tác giáo dục.

Về lâu dài, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS là cơ hội để ngành giáo dục thoát khỏi sự lệ thuộc vào tư duy bằng cấp, từ đó mở rộng các hình thức đánh giá học sinh linh hoạt, phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Dẫu thế, sự thay đổi này sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không đi kèm với cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông một cách nghiêm túc và minh bạch. Khi giao quyền xác nhận hoàn thành bậc THCS cho hiệu trưởng, cũng đồng nghĩa với việc trao trách nhiệm kèm niềm tin vào năng lực quản trị của nhà trường, đặc biệt là vai trò cá nhân của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Nếu quản lý không sát sao, cấp chứn nhận cho có thì chất lượng đào tạo, phân luồng ở bậc THCS sẽ bị suy giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào ở những cấp học tiếp theo.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-trong-thuc-hoc-thuc-nghiep-10305750.html