Chủ trương nhân văn, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục
Chủ trương sẽ hướng tới triển khai dạy 2 buổi/ngày tại các trường phổ thông hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các xã biên giới trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về giáo dục và đào tạo đang nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội.
Chủ trương nhân văn này được kỳ vọng sẽ hướng tới một nền giáo dục chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với mọi học sinh.

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí sẽ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Ảnh minh họa
Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.
Theo Tổng Bí thư, chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo cho học sinh phát triển toàn diện.
Tổng Bí thư giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi. Việc thực hiện chủ trương này cần theo lộ trình, trước mắt, việc này sẽ thực hiện tại những xã biên giới đất liền, bắt đầu từ năm học 2025-2026, trên cơ sở kết quả thực hiện sẽ sơ kết để nhân rộng dần ra toàn quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau quyết định miễn học phí cho học sinh phổ thông, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các xã biên giới, về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí tùy theo điều kiện từng địa phương là quyết định rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến các gia đình, đặc biệt là những hộ còn khó khăn về điều kiện kinh tế; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh ở các xã biên giới nếu được triển khai tốt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ giúp tăng tỷ lệ học sinh đến lớp, giảm tình trạng học sinh bỏ học do khó khăn về kinh tế. Từ đó, tiến tới thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, không để học sinh phải chịu thiệt thòi chỉ vì xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn.
Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày không thu phí tại những nơi có đủ điều kiện được triển khai cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thời gian học sinh tương tác với giáo viên, bạn bè trong môi trường giáo dục được kiểm soát để phát triển toàn diện, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm; phù hợp với tinh thần nhân văn của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.
Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố gồm: Cơ sở vật chất với phòng học đầy đủ, có sân chơi, bãi tập phục vụ các hoạt động giáo dục thể chất và giảng dạy các kỹ năng khác; có đủ giáo viên; có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất ở các nhà trường tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn khó khăn, chưa đủ phòng cho việc học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Tin học. Do đó, để triển khai chủ trương này từ năm học 2025-2026, trước hết, cần có sự rà soát trên phạm vi cả nước xem các điều kiện tối thiểu trên đã đáp ứng được hay chưa? Nếu chưa đáp ứng, cần huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội hóa để khẩn trương bổ sung, hoàn thiện.
Thứ hai, ngoài 3 yếu tố trên, cũng cần xây dựng cơ chế tài chính để có thể giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, chẳng hạn như các trường thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn học Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tin học phải huy động từ các nơi khác thì phải xử lý thế nào? Nhà trường lấy kinh phí từ nguồn nào để chi trả? Cơ chế đãi ngộ đối với giáo viên như thế nào khi giáo viên phải dạy 2 buổi/ngày? Đây là vấn đề quan trọng mà Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần đặt ra, cần có sự tính toán trước để tham mưu phù hợp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước khi triển khai trong thực tế.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, dạy 2 buổi/ngày không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp học sinh được tiếp cận với văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất để phát triển toàn diện. Nhưng để làm được điều này, cần đảm bảo đủ các điều kiện về trường lớp, giáo viên, chương trình học và đặc biệt cần sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành, các địa phương, sự chung tay góp sức của toàn xã hội bởi một mình ngành Giáo dục không thể nào làm được.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay, nhiều trường còn thiếu phòng học, thiếu sân chơi, thiếu phòng chức năng, thiếu giáo viên dạy năng khiếu. Vì vậy, để triển khai dạy 2 buổi/ngày, việc đầu tư phải đồng bộ, không thể “nâng giờ học” mà không nâng điều kiện. Cùng với đó, khi chuyển sang dạy học 2 buổi/ngày không thu phí, cũng phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên theo hướng thu nhập, chế độ đãi ngộ khi khối lượng công việc tăng lên.