Chữ viết thăng trầm cùng lịch sử dân tộc

Chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ đều đã từng được lựa chọn là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam trong những giai đoạn nhất định. Lịch sử ra đời và phát triển của các loại chữ viết phần nào thể hiện thăng trầm đất nước đã đi qua.

Biểu trưng của từng thời kỳ lịch sử

Việc sáng tạo ra chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Mặc dù có thể sở hữu chung gốc gác nhưng lịch sử chữ viết của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có đặc trưng riêng. Đối với Việt Nam, lịch sử ghi nhận có 3 loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Mỗi loại chữ viết có thể được coi là biểu trưng cho một thời kỳ của lịch sử dân tộc, bởi nó có bối cảnh lịch sử hình thành, nhằm mục đích khác nhau và thể hiện bản sắc văn hóa riêng.

Cần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về tiếng Việt. Nguồn: nxbgd.vn

Cần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về tiếng Việt. Nguồn: nxbgd.vn

Trò chuyện về sự hình thành và phát triển của chữ viết của người Việt cuối tuần qua, các nhà nghiên cứu cho rằng, chữ Hán vào Việt Nam theo con đường giao lưu văn hóa bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ I (trước CN). Hiện nay, ở Việt Nam còn lưu giữ một số hiện vật như đỉnh cổ có khắc chữ tượng hình (chữ Hán cổ). Điều này một phần chứng minh chữ Hán cổ xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong người Việt kể từ những thế kỷ đầu Công nguyên trở đi.

Trong khi đó, chữ Nôm được xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Mặc dù xuất hiện khá sớm nhưng đến thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV), hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh.

Cùng với dòng chảy lịch sử, việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin bắt đầu khi các Thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong năm 1615. Vì nhu cầu giao tiếp với người dân bản xứ, các Thừa sai học tiếng Việt với người Việt đồng thời ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin cho dễ nhớ, dễ học. Lối viết này được coi như một công cụ học tiếng Việt của các Thừa sai người châu Âu. Sau khi Hội thừa sai Paris được thành lập năm 1658, sứ mệnh thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ, lối viết tiếng Việt bằng chữ Latin còn là công cụ giao tiếp của các linh mục châu Âu và linh mục người Việt; nhờ đó lối viết này dần hoàn thiện. Những biến cố tôn giáo, chính trị đã đưa lối viết này trở thành văn tự chính thức của Việt Nam mà ngày nay chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ.

Ngoài 3 loại văn tự chính thức kể trên, theo nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam PGS. TS. Trần Trọng Dương, nhiều nhà nghiên cứu cũng nỗ lực chứng minh khả năng tồn tại một loại chữ Việt cổ ở khu vực người Việt sinh sống từ trước thời kỳ Bắc thuộc, qua các bằng chứng khảo cổ, thư tịch cổ, văn bản sử liệu...

Có chính sách ngôn ngữ nâng cao sức tự cường

Theo PGS.TS. Trần Trọng Dương, từ thế kỷ X đến năm 1945, Việt Nam luôn là lãnh thổ sử dụng song ngữ (Hán - Việt, với hai văn tự chữ Hán và chữ Nôm). Đến giai đoạn Pháp thuộc tồn tại 3 ngôn ngữ, 4 văn tự, ngoài chữ Hán - tiếng Hán và chữ Nôm - tiếng Việt, còn có chữ Latin ghi tiếng Việt và chữ Pháp ghi tiếng Pháp. Từ năm 1945 trở lại đây, Việt Nam chính thức là một nước đơn ngữ (1 ngôn ngữ, 1 văn tự), khi Sắc lệnh 19 ngày 8.9.1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định: “Việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người...”

“Nếu không có những biến cố chính trị, lối viết theo mẫu tự Latin ở Việt Nam mãi vẫn chỉ là sản phẩm của ngữ học truyền giáo và chỉ được sử dụng trong khuôn khổ Giáo hội” - TS. Phạm Thị Kiều Ly - Thạc sĩ chuyên ngành khoa học ngôn ngữ ở Đại học Lumìere Lyon 2 (Pháp) khẳng định. Theo đó, từ năm 1864, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (ghi tiếng Việt bằng mẫu tự Latin) được dạy song song trong trường học. Đến năm 1871, Dupré ra quyết định theo đó học sinh phải viết các bài khóa bằng chữ Quốc ngữ ở kỳ thi đọc và viết bằng tiếng Việt. Lý do người Pháp dạy chữ Quốc ngữ trong trường học, so với chữ Hán, chữ Nôm, là bởi chữ quốc ngữ cho phép trẻ em học nhanh hơn, chỉ cần vài tháng là biết đọc, biết viết, trong khi mất tới 10 năm mới giỏi chữ Nho. Hơn nữa, chữ Quốc ngữ là trung gian để người An Nam học chữ Pháp.

Ngoài được người Pháp đưa vào giảng dạy trong nhà trường, sử dụng trong đời sống, xen vào các kỳ thi, chữ Quốc ngữ đã dần chiếm ưu thế và lan rộng mạnh mẽ, được các sĩ phu người Việt trong hàng ngũ Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục đón nhận như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới...

Chữ Quốc ngữ đã được phát triển và sử dụng tới hôm nay. Song hướng về tương lai, TS. Phạm Thị Kiều Ly băn khoăn, dạy tiếng Việt ra sao để người học tiếp cận được khoa học kỹ thuật, bắt kịp thế giới, nhưng lại hiểu được ngữ nghĩa của tiếng Việt là quan trọng. Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, việc học ngôn ngữ không phải thuộc mặt chữ, biết đọc - viết, mà quan trọng phải hiểu nghĩa của câu chữ. Trong giai đoạn hiện nay, cần dạy cho thế hệ trẻ hiểu hơn về từ Hán - Việt, nhất là trong vốn từ của tiếng Việt, từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số.

Việt Nam đã thay đổi được văn tự, điều mà một số quốc gia trong khu vực không làm được. Nhiều người cho đây là thành tựu rực rỡ của thế kỷ XX, giúp nước ta hội nhập được với châu Âu. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Trọng Dương, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, người Việt phải biết sử dụng ít nhất một ngoại ngữ trong đời sống xã hội và giao tiếp với thế giới. Nhà nước phải có chính sách và chiến lược cụ thể về ngôn ngữ, nhằm đem lại đời sống mới cho văn hóa, xã hội Việt Nam. Bởi tăng cường ngôn ngữ toàn dân là nâng cao sức đề kháng, tính tự cường dân tộc; đồng thời chắp cánh cho các công dân tương lai hòa nhập thế giới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/chu-viet-thang-tram-cung-lich-su-dan-toc-i291398/