Chữa đau lưng bằng rễ đinh lăng cần lưu ý gì?
Đau lưng thường gây nhiều khó chịu cho người bệnh, khiến người bệnh cúi, ngửa, đi lại sinh hoạt khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
1. Đau lưng do đâu?
Theo y học hiện đại, đau lưng do nhiều nguyên nhân như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, do sang chấn cột sống thắt lưng, hoặc có thể do nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư cột sống, lao đốt sống....
Theo y học cổ truyền có bệnh danh yêu thống thường do phong hàn thấp xâm nhập vào kinh lạc gây khí trệ huyết ứ, do can thận hư không nuôi dưỡng gân cơ gây ra.
Đinh lăng có tác dụng thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, bổ khí huyết nên có tác dụng tốt trong điều trị đau lưng do lạnh, do thoái hóa cột sống thắt lưng.
Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học là Polyscias Fruticosa (L) (đồng nghĩa Panax fruticosum L., thuộc họ ngũ gia bì. Theo các nhà khoa học, người ta thu hoạch rễ đinh lăng vào mùa thu đông, cây đã trồng được 3 năm trở lên.
Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng bồi bổ khí huyết, lưu thông khí thuyết, đả thông kinh mạch, trị đau lưng rất tốt.
2. Bài thuốc điều trị đau lưng bằng rễ đinh lăng
Nguyên liệu: 20-30g rễ đinh lăng.
Cách thực hiện: Rễ đinh lăng rửa sạch sau đó thái mỏng phơi khô, thêm một ít gừng mật ong sẽ có hiệu quả cao hơn. Các nguyên liệu trên cho vào ấm sắc uống. Một ngày sử dụng 2-3 lần, sử dụng trong 7-10 ngày triệu chứng đau lưng thuyên giảm dần do kinh mạch lưu thông, khí huyết đầy đủ.
3. Rễ đinh lăng phối hợp với các thảo dược đông y trị đau lưng
3.1 Bài thuốc chứa đinh lăng
Nguyên liệu: 10g rễ đinh lăng, 10g thiên niên kiện, 10g độc hoạt, 10g trần bì, 10g quế chi, 10g đại táo, 10g tần giao, 10g cam thảo.
Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên cho vào ấm sắc thuốc, sắc uống ngày 2-3 lần cho đến khi triệu chứng đau lưng thuyên giảm hẳn (khoảng 7-10 ngày).
3.2 Rễ đinh lăng ngâm rượu
Nguyên liệu: 100g rễ đinh lăng. 100ml rượu trắng.
Cách thực hiện: Rửa sạch rễ đinh lăng, sau đó thái thành miếng nhỏ. Chuẩn bị binh thủy tinh rồi bỏ rễ đinh lăng vào ngâm rượu, uống trong khoảng 1 tuần. Ngâm khoảng 2 tuần là uống được, ngày uống một cốc mắt trâu (khoảng 40ml), không nên lạm dụng rượu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Rượu đinh lăng có tác dụng phong tán hàn, thông kinh mạch, tiêu viêm, điều trị đau lưng do phong hàn rất hiệu quả. Ngoài ra còn bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe.
4. Lưu ý khi dùng đinh lăng điều trị đau lưng
Trong quá trình điều trị, bệnh nặng lên không thuyên giảm phải được đi khám bác sĩ, thăm khám định kỳ theo dõi tình trạng sức khỏe.
Trong rễ đinh lăng có saponin, nếu dùng quá nhiều có thể dẫn tới mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt. Do đó, không nên lạm dụng bài thuốc từ rễ cây đinh lăng.
Phụ nữ có thai, cho con bú, người suy giảm chức năng gan, thận không sử dụng rễ đinh lăng điều trị đau lưng.
Không sử dụng dược liệu cho người dễ bị dị ứng, quá mẫn với thành phần trong cây đinh lăng.
Trong quá trình điều trị đau lưng cần dành thời gian để xương khớp phục hồi, tránh khiêng vác nặng, không làm việc quá sức, tránh căng thẳng kéo dài, tâm lý cần thoải mái; xây dựng chế độ ăn phù hợp, ăn nhiều can xi, vitamin, khoáng chất, tránh xa thực phẩm nhiều dầu mỡ, tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt.
Trong quá trình sử dụng rễ đinh lăng sắc uống hoặc rễ đinh lăng phối hợp với thuốc đông y không nên ăn nhiều rau muống, củ cải vì có thể làm giảm tác dụng bài thuốc.
Yên Bái có trên 3.400 ha diện tích cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên.
Đinh lăng nằm trong số các loài dược liệu phổ biến được trồng trên địa bàn cùng với ba kích, giảo cổ lam, kim tiền thảo, sả, sa nhân tím, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, atiso, cà gai leo, thảo quả, lá khôi, trà hoa vàng, gừng, nghệ, đương quy, cát sâm,… Từ nguồn dược liệu này, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. Trong đó, thảo quả, sa nhân, sả, gừng, nghệ, lá khôi tía là các sản phẩm dược liệu phát triển với quy mô lớn.
Để phát triển cây dược liệu, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu gồm: quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, sả, ba kích, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi, atiso, đương quy; phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện : Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn…
Việc phát triển nguồn dược liệu tự nhiên đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng cũng như những nguồn dược liệu quý phục vụ cho việc phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Quang Tuấn (BT- SKĐS)
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/298350/chua-dau-lung-bang-re-dinh-lang-can-luu-y-gi.aspx