Chữa lành cho chính mình trước khi học cách yêu thương người khác
Nếu không thể yêu thương bản thân, chúng ta sẽ không đủ bao dung để yêu thương kẻ khác. Muốn làm được điều đó, ta phải học cách đối diện với những tổn thương của chính mình.

Khi biết yêu thương bản thân, chúng ta sẽ rộng lòng để đón nhận tình yêu thương của người khác. Ảnh minh họa: tVN.
Đời sống tâm linh sẽ trở nên vững chắc hơn khi chúng ta cam kết với bản thân: Tôi cần bản thân mình hơn bất cứ điều gì khác. Tôi muốn đi trên con đường chánh đạo và sự thật. Tôi sẽ không che giấu viên ngọc quý bên trong mình, cũng sẽ không che giấu những điểm chưa hoàn hảo của bản thân. Không mặc cả, không trốn tránh thực tại, không tự huyễn hoặc và tẩy não bản thân.
Chúng ta càng có ý thức cam kết tìm hiểu và chấp nhận bản thân, thì càng dễ dàng mở lòng và sẵn sàng yêu thương người khác, bởi khi ấy, ta không có gì phải che giấu, không có gì phải e ngại, tự ti.
Khi cam kết đi theo con đường chánh đạo, chúng ta đã tự tạo một chốn nương náu an toàn bên trong mình, một nơi neo đậu, một ngôi nhà để trở về mỗi khi gặp khó khăn, sóng gió trên cuộc hành trình này. Điều này rất quan trọng trong quá trình hẹn hò, bởi tình yêu mới có thể kích hoạt những cảm giác lo lắng, sợ hãi, kỳ vọng, phụ thuộc và trống rỗng đang nằm sâu bên trong chúng ta.
Nếu biết cách ôm ấp, xoa dịu nỗi đau và bình tâm ngay trong lúc những cảm giác đó nổi lên, chúng ta sẽ không ngại cởi mở và thành thật, bất kể kết quả ra sao. Nếu cứ để nỗi sợ hãi lấn át toàn bộ tâm trí, chúng ta sẽ bắt đầu thu mình lại và chẳng bao giờ thực sự đến gần người mình yêu mến, vì khi họ muốn tiến lại gần, ta lại đẩy họ ra xa.
Khi nhận thức được rằng tỉnh thức và chân thành chính là chất liệu xây nên chốn nương náu an toàn cho bản thân, chúng ta sẽ ngừng thỏa hiệp với những tiếng nói tiêu cực bên trong mình, ngừng đeo những lớp mặt nạ che giấu con người thật, ngừng hành động như một con tắc kè hoa để thu hút đối phương hoặc cố níu giữ mối quan hệ gây tổn thương lẫn nhau.
Sự thật đôi khi dễ làm mất lòng, sẽ có lúc chúng ta cảm thấy bị tổn thương, nhưng tận sâu bên trong, chúng ta biết rằng tâm hồn mình sẽ được bình an.
[...]
Chân lý và trí tuệ chẳng hữu hình. Không có quy chuẩn, không có khuôn mẫu cố định, không có con đường nào là duy nhất, không có gì là tuyệt đối khi nói đến việc xây dựng nội lực vững chắc bằng trí tuệ tâm linh. Đó là lý do tại sao tôi không thấy có sự mâu thuẫn nào khi thực hành cùng lúc nhiều phương pháp thực hành tâm linh khác nhau.
Tất cả đều giúp chúng ta tập trung trải nghiệm trọn vẹn từng khoảnh khắc trong cuộc sống của mình, từ đó học được cách chấp nhận, chánh niệm, từ bi, thấy được sự thật và tình yêu thương trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nói cách khác, chúng giúp bạn học cách sống bằng trái tim, bằng chân ngã, chứ không phải bằng bản ngã cố chấp.