Hong Kong phát triển vắc xin cúm không cần tiêm
Nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong đã phát triển vắc xin cúm không cần tiêm, hoạt động dựa trên hai cơ chế chính là sử dụng kỹ thuật di truyền để chèn mã gen người vào virus cúm và làm bất hoạt khả năng sinh sản của virus.
Theo VTV, một nhóm nghiên cứu y khoa từ Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển các loại vắc xin cúm mà không cần tiêm.
Loại vắc xin mới này mở ra triển vọng trong việc phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh các chủng virus liên tục biến đổi và ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vắc xin truyền thống.
Vắc xin do nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) phát triển hoạt động dựa trên hai cơ chế chính. Cơ chế đầu tiên là sử dụng kỹ thuật di truyền để chèn mã gen người vào virus cúm. Khi xâm nhập vào cơ thể, loại virus đã được biến đổi này sẽ kích thích các tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể, từ đó tăng cường khả năng đề kháng với virus cúm. Điều này giúp hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng nhanh và mạnh hơn nếu bị tấn công bởi virus thật.
Cơ chế thứ hai là làm bất hoạt khả năng sinh sản của virus. Việc ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể giúp hạn chế sự lây lan và giảm nguy cơ phát triển thành bệnh cúm nghiêm trọng. Nhờ hai cơ chế phối hợp, loại vắc xin mới không chỉ giúp phòng ngừa mà còn có thể kiểm soát tốt hơn sự lây lan của virus.

Ảnh minh họa.
Một điểm đáng chú ý là vắc xin mới không yêu cầu tiêm trực tiếp vào cơ thể như các loại truyền thống, điều này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và tâm lý lo ngại ở người sử dụng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vắc xin trong cộng đồng.
Trước đây, các loại vắc xin cúm mùa phải được điều chỉnh liên tục để phù hợp với các biến thể mới, khiến hiệu quả bảo vệ có thể bị suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, công nghệ mới này mang đến hy vọng khắc phục được nhược điểm đó, đồng thời tạo nền tảng cho các loại vắc xin tiên tiến hơn trong tương lai.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh cúm mùa là loại bệnh do virus cấp tính gây ra và rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus, qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng...
Một số trường hợp bệnh cúm có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.
Nếu có các biểu hiện bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là Hội chứng Reye (gây phù ở gan và não) rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh bị cúm là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Nên tiêm vắc xin ngay trước mùa cúm để có hiệu quả bảo vệ cao nhất.