Chuẩn bị phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2025

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương rà soát thực trạng, cập nhật lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu để chuẩn bị phương án đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2025.

Lương tháng của người lao động trong doanh nghiệp hiện nay tăng 6%, thêm 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng

Lương tháng của người lao động trong doanh nghiệp hiện nay tăng 6%, thêm 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng

Yêu cầu được Bộ LĐ-TB&XH nêu trong văn bản gửi các địa phương đề nghị thực hiện rà soát việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2024. Thêm vào đó, các địa phương cũng cần đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành.

Theo đó, các địa phương rà soát, cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp lại, như đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1/7/2024 đến nay.

Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng, thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh và khu vực, các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến gửi về Bộ LĐ-TB&XH.

Các công việc trên được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhằm chuẩn bị cho phương án đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2025 trong thời gian tới.

Hằng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia, do Bộ LĐ-TB&XH làm chủ tịch, đều tổ chức họp để tham mưu cho Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu. Mục tiêu của việc điều chỉnh là đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Lần gần đây nhất, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% so với năm 2023, nhằm cải thiện thu nhập và đảm bảo đời sống cho người lao động trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

Cụ thể, lương tối thiểu tháng vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng.

Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.

"Cần tăng lương gấp đôi từ nay đến năm 2030"

Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa qua, khi thảo luận về mục tiêu kinh tế năm 2025, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM) đề nghị cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030, chậm nhất trong 10 năm phải chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.

Theo ông Nhân, hiện nay lương tối thiểu chỉ gần 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 20-21 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa là lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.

"Lương phải tăng gấp đôi để đạt mức lương đủ sống tối thiểu. Nếu không đủ lương để sống thì người ta sẽ không đẻ vì đẻ ra không nuôi được. Chúng ta cần có lộ trình tăng dần lương lên gấp đôi từ nay đến năm 2030, chậm nhất trong vòng 10 năm phải chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu", ông Nhân nói.

(Theo DTO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/346356/chuan-bi-phuong-an-de-xuat-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-nam-2025.aspx