Chuẩn bị xem xét nhiều dự án luật quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, chỉ trình Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong điều hành kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.
Chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).
Báo cáo việc chuẩn bị bước đầu Kỳ họp thứ 10, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, về công tác lập pháp sẽ xem xét thông qua 19 dự án luật.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội 21 dự án luật khác, ông Tùng thông tin.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị trình tại Kỳ họp thứ 10 các dự án: (1) Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); (2) Luật An ninh mạng (thay thế); (3) Luật Thương mại điện tử; (4) Luật Giám định tư pháp (thay thế); (5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; (6) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; (7) Luật Quản lý thuế; (8) Luật An toàn thực phẩm (thay thế); (9) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; (10) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; (11) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (12) Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; (13) Luật Cư trú; (14) Luật Căn cước (thay thế); (15) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (16) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (17) Luật Đường bộ; (18) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; (19) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (20) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điều ước quốc tế; (21) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Sở hữu trí tuệ;... thông tin cụ thể đến UBTVQH về nội dung, thời điểm trình Quốc hội. UBTVQH và tiến độ gửi hồ sơ tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội, để triển khai ý kiến kết luận của Tổng bí thư, bảo đảm các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.
Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội thì tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Với số lượng nội dung dự kiến đến thời điểm này (gồm 21 nội dung thuộc công tác lập pháp, 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 12 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu (chưa bao gồm các dự án cấp có thẩm quyền đề nghị nghiên cứu, sửa đổi và các dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025), dự kiến Kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc, Tổng thư ký Quốc hội dự tính.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 10.
Về các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, chỉ trình Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong điều hành kinh tế - xã hội; còn những dự án luật dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua theo quy trình 2 kỳ họp thì nên để lại cho nhiệm kỳ sau vì Quốc hội khóa XV không còn thời gian để tổ chức thêm kỳ họp.
“Sẽ có cuộc họp thật sớm giữa Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ để quán triệt, chuẩn bị từ sớm, từ xa” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu.