Chứng khoán Hải Phòng (HAC) thay toàn bộ lãnh đạo, lên kế hoạch tăng vốn gấp 4 lần

Sau hai lần thay đổi nhóm cổ đông lớn và toàn bộ Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ trong vòng 9 tháng, CTCP Chứng khoán Hải Phòng (HNX: HAC) đang tìm cách vực dậy với kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ lên hơn 1.290 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến các thương vụ M&A ở nhóm công ty chứng khoán quy mô nhỏ. Điển hình là câu chuyện đầy biến động tại CTCP Chứng khoán Hải Phòng (HAC) với hai lần đổi chủ và thay mới toàn bộ ban lãnh đạo chỉ trong 9 tháng.

Tái cơ cấu bất thành sau 9 tháng

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/06/2025, Chứng khoán Hải Phòng đã miễn nhiệm toàn bộ 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát vừa được bầu vào tháng 9/2024.

Đại hội đã bầu ra HĐQT mới với số lượng tinh gọn còn 3 thành viên, gồm ông Đào Lê Huy, bà Ngô Thị Song Ngân và ông Nguyễn Tuấn Anh. Đây đều là những nhân sự có kinh nghiệm trong ngành tài chính, chứng khoán, trong đó ông Nguyễn Tuấn Anh từng là cán bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sự thay đổi thượng tầng này là kết quả tất yếu sau khi nhóm cổ đông lớn trước đó đã thoái vốn toàn bộ. Cụ thể, chỉ trong ngày 06/06/2025, ba cổ đông lớn là ông Trần Anh Đức (19,94%), ông Vũ Hoàng Việt (24,87%) và ông Đào Sơn Tùng (16,43%) đã đồng loạt bán ra toàn bộ 61,24% vốn điều lệ tại HAC, chính thức khép lại quá trình tái cơ cấu chỉ kéo dài 9 tháng.

Nỗ lực của nhóm cổ đông cũ đã không mang lại kết quả tích cực. Dưới thời của họ, kết quả kinh doanh của HAC lao dốc. Kết thúc năm 2024, lợi nhuận ròng của công ty giảm 91,8% so với năm trước, chỉ còn 2,76 tỷ đồng. Sang quý I/2025, công ty báo lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2024 lãi 11,78 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của HAC tại ngày 31/03/2025 đã tăng lên 37,44 tỷ đồng.

Bài toán vốn và kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng

Vấn đề lớn nhất của Chứng khoán Hải Phòng là quy mô vốn điều lệ quá mỏng, chỉ ở mức 291,8 tỷ đồng và không thay đổi từ năm 2015. Mức vốn này rất khiêm tốn so với mặt bằng chung của ngành.

Ngay sau khi kiện toàn bộ máy, HĐQT mới của HAC đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn "khủng". Công ty dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, HAC sẽ huy động được 1.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh và cho vay ký quỹ (margin).

Vốn điều lệ của công ty sau phát hành sẽ tăng lên 1.291,8 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là mức vốn nhỏ nếu so với các công ty chứng khoán hàng đầu như SSI (vốn điều lệ gần 20.000 tỷ đồng) hay VNDIRECT (hơn 15.000 tỷ đồng).

Phân tích báo cáo tài chính quý I/2025 của HAC cho thấy bức tranh hoạt động khá đơn điệu. Tổng tài sản công ty đạt 415,7 tỷ đồng, nhưng danh mục tự doanh không đáng kể. Tài sản chủ yếu là tiền mặt (165,1 tỷ đồng, chiếm gần 40%) và các khoản cho vay (123 tỷ đồng, chiếm gần 30%). Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của HAC phụ thuộc gần như hoàn toàn vào mảng môi giới và cho vay ký quỹ.

Đây sẽ là một thách thức lớn cho ban lãnh đạo mới, đặc biệt khi cuộc chiến cạnh tranh về phí dịch vụ và lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán ngày càng gay gắt. Với nguồn vốn còn hạn hẹp và quy mô nhỏ, HAC sẽ phải đối mặt với áp lực lớn từ các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh hơn.

Khánh Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/chung-khoan-hai-phong-hac-thay-toan-bo-lanh-dao-len-ke-hoach-tang-von-gap-4-lan-84234.html