Chứng khoán ngày 16/7: Nên làm gì với IDC, DGW và VCI?

Các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị gì cho các cổ phiếu IDC, DGW và VCI trước phiên ngày 16/7?

IDC có giá mục tiêu 64.500 đồng/cp

Chứng khoán ACB (ACBS): Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) hiện có 10 KCN đang hoạt động với diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là 554ha tại KCN Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh, Quế Võ 2 và Cầu Nghìn. Công ty có kế hoạch cho thuê 145ha trong năm nay. IDC vừa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Tân Phước 1 tại tỉnh Tiền Giang với quy mô 470ha trong tháng 6/2024 và dự kiến có thể bắt đầu cho thuê từ cuối 2025. Công ty đang ghi nhận doanh thu cho thuê đất theo cả 2 phương pháp là hằng năm và 1 lần và đang trong quá trình chuyển đổi từ hằng năm sang một lần.

Ngoài ra, IDICO đang vận hành 2 nhà máy thủy điện Dak Mi 3 và Shrok Phu Miêng với tổng công suất 114MW, dự kiến sẽ được hưởng lợi từ Lanina khi lượng mưa tăng lên. Công ty là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết bên cạnh VRG Sài Gòn (HOSE: SIP) được Bộ Công thương cấp phép xây dựng trạm biến áp 110kV để phân phối điện trực tiếp đến khách thuê trong KCN. Do đó, biên lợi nhuận phân phối điện của IDC cao hơn so với các chủ đầu tư KCN chỉ đơn thuần là trung gian mua bán điện giữa EVN và khách thuê.

Mặt khác, IDC có nguồn thu nhập ổn định từ dự án BOT An Sương – An Lạc với doanh thu hằng năm hơn 400 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp trên 40%.

Nhìn chung, IDC có thu nhập tương đối ổn định từ mảng điện và BOT, các KCN thu hút đầu tư khả quan, tình hình tài chính tốt và mức cổ tức tiền mặt cao 30-40%/năm dự kiến sẽ duy trì đến năm 2026. Chúng tôi ước tính doanh thu 2024 gần 8.500 tỷ đồng (+17% svck) và LNTT ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng (+28% svck). Sử dụng phương pháp NAV, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu cuối 2024 là 64.500 đ/cp.

DGW có giá hợp lý là 31.800 đồng/cp

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Theo quan điểm thận trọng, giá cổ phiếu CTCP Thế giới Số (HOSE: DGW) đã phản ánh đầy đủ triển vọng tăng trưởng dài hạn với giá trị hợp lý là 31.800 đồng, tương đương PE dự phóng năm 2024 là 11,9 lần. Tuy nhiên, thị trường có thể đang giao dịch cổ phiếu với kỳ vọng nhiều hơn đi kèm mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn, dựa trên một số điểm dưới đây:

Doanh thu khó có thể quay trở lại giai đoạn tăng trưởng: Thị trường chính (máy tính xách tay - MTXT, máy tính bảng - MTB, điện thoại di động - ĐTDĐ) đã bước vào giai đoạn bão hòa với mức tăng trưởng doanh số hàng năm từ 1-5% (được hỗ trợ bởi chu kỳ thay thế và giá cả được cao cấp hóa).

Dựa trên danh sách thương hiệu CNTT của DGW, thị phần của Công ty trong việc phân phối các sản phẩm này đã đạt mức giới hạn (20-30%) ở thế cạnh tranh gay gắt với FPT Synnex, PSD, Viettel Distribution.

DGW đã triển khai các kế hoạch mạnh mẽ để thâm nhập vào thị trường phi CNTT như thiết bị văn phòng (TBVP), thiết bị gia dụng (TBGD), hàng tiêu dùng (HTD),... bằng cách thêm các thương hiệu/ danh mục sản phẩm/ giao dịch M&A mới, nhưng vẫn chưa tạo ra ảnh hưởng đáng kể lên KQKD.

Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi kinh doanh vào năm 2024, với LNST là 444 tỷ đồng (+25,4% YoY). EPS tương ứng là 2.670 VNĐ. Trong dài hạn, LNST sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2024-2028 là 9,7%, đạt 707 tỷ đồng vào năm 2028.

Dư địa hạn chế để cải thiện biên lợi nhuận: Bằng cách sử dụng các dịch vụ MES, DGW đạt biên lợi nhuận cao từ các thương hiệu, nhưng dần dần giảm xuống mức tiêu chuẩn của ngành CNTT khi các đối thủ cạnh tranh sao chép ý tưởng thành công này. DGW cố gắng ngăn chặn xu hướng này bằng cách tham gia vào các lĩnh vực khác có biên lợi nhuận cao.

Cơ cấu cổ đông cô đặc (44% là cổ đông nội bộ): Điều này giúp động lực tăng trưởng của DGW phù hợp với lợi ích của Hội đồng Quản trị, nhưng giá cổ phiếu sẽ biến động đáng kể dựa trên các hoạt động giao dịch của các nhóm cổ đông lớn.

Rủi ro: DGW sẽ phải ghi nhận chi phí cao phát sinh từ kế hoạch ESOP (0.5-3%) hàng năm khi Việt Nam chuyển đổi từ chuẩn kế toán VAS sang IFRS trong những năm tới.

Mất/Thêm quyền phân phối cho các thương hiệu quan trọng (Xiaomi, Apple)/các thương hiệu mới có uy tín (Samsung) là rủi ro giảm/tăng giá cho cổ phiếu.

Khuyến nghị mua VCI với giá mục tiêu 53.600 đồng/cp

Chứng khoán DSC: Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VCI trên cơ sở tiềm năng tăng trưởng của ngành Chứng khoán nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Giá mục tiêu: 53.600 VND/cp (upside 14%).

Dự phóng về mức độ phục hồi của VCI được xây dựng dựa trên kịch bản VNIndex chinh phục thành công mốc 1.300 điểm trong năm 2024. Ước tính, doanh thu hoạt động đạt 2.641 tỷ (+7% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ (+24% YoY).

Động lực tăng trưởng của VCI trong giai đoạn tới được thúc đẩy bởi (1) TTCK dự báo đang bước vào chu kỳ tăng mới, (2) duy trì tốt hiệu suất tự doanh, (3) mảng IB bớt trầm lắng, đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/chung-khoan-ngay-167-nen-lam-gi-voi-idc-dgw-va-vci-216662.html