Chứng khoán Nhật Bản 'trải thảm đỏ' thu hút nhà đầu tư cá nhân

Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo của Nhật Bản đang yêu cầu các công ty niêm yết giảm ngưỡng đầu tư tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ…

Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo của Nhật Bản đang kêu gọi các công ty niêm yết hạ hướng dẫn đầu tư tối thiểu từ 500.000 yên (khoảng 3.500 USD) xuống khoảng 100.000 yên để thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân.

Động thái này nhằm giúp đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho mọi bộ phận người dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, theo báo cáo từ nhóm chuyên gia thị trường thuộc TSE cho biết.

“TSE hướng mục tiêu tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho nhiều đối tượng cá nhân, bao gồm cả giới trẻ”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo dữ liệu mới nhất năm 2023 từ TSE, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 32% thị trường chứng khoán Nhật Bản, trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ chiếm 16,9%.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 7 đến 11/4, nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch khoảng 20 tỷ cổ phiếu trên thị trường chính, trong khi các cá nhân trong nước giao dịch khoảng 10 tỷ cổ phiếu.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính nắm 28,9% thị trường trong nước, còn lại là các công ty chứng khoán, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ.

Ông Zuhair Khan, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại UBP Investments, tuyên bố lần này đánh dấu một sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của chính phủ. “Trước đây Nhật Bản có các quy trình rất quan liêu trong giao dịch cổ phiếu và quản lý cổ đông. Những quy trình này thường diễn ra qua thư tín truyền thống và hồ sơ giấy, đòi hỏi nhiều thao tác thủ công và lưu trữ tài liệu, dẫn đến chi phí cao. Bởi vậy, việc đặt mức đầu tư tối thiểu cao là một cách để giảm chi phí và gánh nặng xử lý thủ công”, ông Khan nói với CNBC. Thậm chí từng có thời điểm chính phủ ưu tiên các nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, "bóng ma quá khứ” vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận người dân. Bong bóng tài sản của Nhật Bản vào cuối những năm 1980, được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo và đầu cơ, đã vỡ tung vào thập niên 1990 khiến giá tài sản lao dốc và kinh tế trì trệ. “Sau khi bong bóng vỡ, người Nhật Bản trở nên rất ngại rủi ro và xem việc đầu tư vào thị trường chứng khoán chẳng khác nào đánh bạc”, ông Zuhair Khan giải thích.

Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay không còn tâm lý đó. “Chính phủ và TSE muốn tạo điều kiện giúp thế hệ trẻ tham gia vào thị trường chứng khoán”, ông Khan nói thêm.

Không chỉ giới trẻ, chính phủ Nhật Bản còn hướng đến một đối tượng nhà đầu tư khác. Đó là “pensioner”, những người về hưu tại Nhật Bản. Theo ông Zuhair Khan cho biết, nhóm này hiện đang thiếu trung bình khoảng 20 triệu yên trong tài khoản để có thể nghỉ hưu một cách thoải mái. Thay vì để chính phủ chi trả phần thiếu hụt này, Nhật Bản đang khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn cho tương lai.

“Rất nhiều người cao tuổi giàu có ở Nhật vẫn do dự quay trở lại thị trường chứng khoán sau cú sụp đổ vào những năm 1990, và việc các công ty lớn như Keyence có mức đầu tư tối thiểu cao cũng là một rào cản nữa”, ông Richard Kaye, quản lý danh mục đầu tư chuyên về cổ phiếu Nhật tại Comgest chia sẻ.

Ông Kaye tin rằng các cá nhân trong nước, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc hạ mức đầu tư tối thiểu, là một lực lượng đáng kể và có thể trở thành “nhân tố xoay chiều” quan trọng cho tăng trưởng, nếu họ được khuyến khích mua vào nhờ các chính sách như giảm mức đầu tư tối thiểu.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chung-khoan-nhat-ban-trai-tham-do-thu-hut-nha-dau-tu-ca-nhan-post559562.html