Chứng khoán sau lao dốc, cơ hội chốt lời có điểm?

Sau tuần giao dịch đi ngang, thị trường mở cửa phiên sáng qua trong sắc xanh. Tuy nhiên, trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng, những nỗ lực phục hồi sau đó đều không thành công trước áp lực cung ngày càng lớn khiến VN-Index kết phiên tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm (-2,18%).

Có thể xuất hiện nhịp hồi?

Sau tuần giao dịch biến động trong biên độ hẹp quanh đường giá trung bình 20 phiên với thanh khoản suy giảm, VN-Index có phiên giao dịch đầu tuần cuối quý II/2024 khá tiêu cực khi giảm điểm rất mạnh với khối lượng giao dịch đột biến, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu trên HOSE, qua đó xóa bỏ toàn bộ nỗ lực phục hồi của những phiên trước.

Theo các chuyên gia tai Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHC), nguyên nhân một phần có thể đến từ áp lực tái cơ cấu danh mục cuối quý II/2024, cũng như kiểm soát tỉ lệ dư nợ margin cuối quý.

Kết phiên VN-Index giảm mạnh 27,9 điểm (-2,18%) về mức 1.254,12 điểm, quay trở lại kiểm tra vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm - 1.255 điểm.

VN-Index kết phiên hôm qua tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm (-2,18%)

VN-Index kết phiên hôm qua tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm (-2,18%)

Về chiến lược đầu tư trong thời điểm này, chuyên gia tại SHS cho rằng nhà đầu tư đang cầm nhiều cổ phiếu cần giảm bớt margin, hạ tỷ trọng cổ phiếu trong những vùng cân bằng, không nên "đua bán". Những nhà đầu tư cầm tiền có xu hướng đầu tư trung và dài hạn có thể tranh thủ nhịp giảm để tích lũy thêm cổ phiếu triển vọng tốt trong nửa cuối năm.

Ngược lại, những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu "nóng" theo sóng đầu cơ thì nên bán cổ phiếu càng sớm càng tốt vì mức giảm có thể khốc liệt hơn khi thị trường bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên hôm nay 25/6. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong ngắn hạn đã trở nên tiêu cực hơn, mặc dù vậy các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh và chuyển sang trạng thái bi quan.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

Thị trường lao dốc gần 28 điểm

VN-Index kết phiên hôm qua tại mốc 1.254,12 điểm, giảm mạnh -27,9 điểm (-2,18%). HNX-Index kết phiên tại mốc 239,74 điểm, giảm 4,63 điểm (-1,89%). Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về bên bán với 277 cổ phiếu giảm giá, 65 cổ phiếu tăng giá, 39 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 137 cổ phiếu giảm giá, 62 cổ phiếu tăng giá và 38 cổ phiếu tham chiếu.

Thanh khoản trên cả 2 sàn tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó cho thấy áp lực bán khá lớn, khối lượng khớp lệnh +56,4% tại HOSE và +52,3% tại HNX. Khối ngoại phiên hôm qua duy trì bán ròng mạnh -963,8 tỷ đồng tại HOSE tiếp tục tập trung tại mã FPT (-590,4 tỷ), bên cạnh đó là NLG (-64,5 tỷ), SSI (-57,9 tỷ) và HDB (-57,1 tỷ)... Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng TCB (+56,9 tỷ), POW (+55,4 tỷ), VNM (+46,5 tỷ)...

Ngược lại với HSX, HNX phiên hôm qua được khối ngoại mua ròng +23,3 tỷ đồng, tập trung tại các mã IDC (+23,5 tỷ), PVS (+15,7 tỷ), chiều bán ròng nổi bật với VCS (-5 tỷ), NTP (-3,4 tỷ), MBS (-2,1 tỷ).

Thị trường hôm qua nổi bật với tin đính chính từ phía Masan Group. Trước đó, theo thông tin từ tờ Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc về việc SK Group (SK) “đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group”, Masan Group cho biết, thông tin này là không đúng. Cho đến nay, SK chưa thực hiện quyền chọn bán. Cũng theo thông báo, SK đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Masan. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp. Cổ phiếu MSN kết phiên hôm nay -3,3%, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng mạnh +209% so với phiên gần nhất.

Nhóm ngành kém tích cực nhất của thị trường hôm qua là Chứng khoán với nhiều mã giảm điểm mạnh ngay từ khá sớm. Kết phiên CTS, VDS, TVS và BSI giảm kịch biên độ giá sàn trong khi các mã khác đều giảm sâu như MBS (-8,65%), BVS (-9,3%), AGR (-6,6%).

Ngoài nhóm Chứng khoán, một số nhóm cổ phiếu khác thời gian qua tăng mạnh cũng chịu áp lực chốt lãi và điều chỉnh như Cảng và Vận tải biển, tiêu biểu với PHP (-7,96%), SGP (-5,69%), HAH (-4,72%). Nhóm cổ phiếu Viễn Thông Công nghệ với MFS (-11,38%), ICT (-6,82%).

Các cổ phiếu Dầu khí cũng có một phiên giao dịch không mấy tích cực với BSR (-4,8%), PVD (-5,88%), PVC (-6,33%). Nhóm cổ phiếu Hóa chất trong sắc đỏ với DGC (-5,46%), CSV (-3,23%), tương tự là các cổ phiếu Phân bón với DCM (-4,02%), DPM (-4,55%).

Tuy nhiên, một số nhóm ngành khác chứng kiến nhiều mã vẫn tăng điểm tích cực, tiêu biểu như Điện với POW (+2,04%), KHP (+6,7%). Nhóm ngành Bất động sản dân cư cũng có nhiều mã giao dịch trong sắc xanh, cụ thể là DIG (+1,53%), DXG (+0,95%), PDR (+0,4%)... Nhóm Bất động sản khu công nghiệp cũng tăng giá với KBC (+1,4%), SZL (+0,2%).

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2407 giảm -30,2 điểm (-2,29%), đóng cửa tại 1.290,7 điểm. Chênh lệch +0,85 điểm so với VN30, so với các kỳ hạn còn lại thì độ chênh lệch này cho thấy hợp đồng tháng 7 được bám sát giao dịch so với diễn biến trên thị trường cơ sở. Các kỳ hạn xa hơn là VN30F2408 VN30F2409 VN30F2412 chênh lệch từ +1,25 điểm đến +6,45 điểm so với VN30 cho thấy kỳ vọng chỉ số có thể phục hồi trong các phiên tới.

Tổng khối lượng hợp đồng tháng 7 giao dịch +18% so với phiên trước và cao hơn hơn mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2407 cần kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ mạnh 1.280 điểm.

Túc Mạch

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chung-khoan-sau-lao-doc-co-hoi-chot-loi-co-diem-123550.html