Chứng khoán thế giới và giá vàng 'đỏ lửa', dầu và USD tăng mạnh sau khi ông Trump áp thuế quan
Đồng tiền của các nước bị ông Trump áp thuế quan đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó tỷ giá nhân dân tệ trượt xuống mức thấp kỷ lục...
Thị trường chứng khoán châu Á và các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm mạnh phiên sáng nay (3/2), khi nhà đầu tư phản ứng với việc Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần vừa rồi áp thuế quan lên hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc.
Giá dầu thô cũng tăng mạnh dù đồng USD phát huy vai trò “hầm trú ẩn”, trong khi giá vàng có lúc tăng rồi sụt mạnh dưới áp lực từ đà tăng của đồng USD. Đồng tiền của các nước bị ông Trump áp thuế quan đồng loạt lao dốc mạnh, trong đó tỷ giá nhân dân tệ trượt xuống mức thấp kỷ lục.
Tại thời điểm hơn 8h sáng theo giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 2,2%, chỉ số AXS 200 của thị trường Australia sụt gần 2%, trong khi Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông mất gần 1% điểm số - theo dữ liệu từ hãng tin CNBC. Thị trường Trung Quốc vẫn đang đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán.
Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones tương lai có lúc mất gần 500 điểm, tương đương giảm hơn 1,1%. S&P 500 tương lai sụt 1,6% trong khi Nasdaq tương lai trượt 2,2%.
Hôm thứ Bảy, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Canada và Mexico vào Mỹ, đồng thời áp thuế quan 10% lên hàng hóa từ Trung Quốc. Đáp trả động thái của Mỹ, Canada tuyên bố áp thuế 25% lên 155 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong khi Trung Quốc đâm đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Về phần mình, Mexico cho biết sẽ có biện pháp đối với Mỹ vào ngày thứ Hai, nhưng chưa nói cụ thể đó là gì.
“Giờ đây, thị trường có thể nhìn nhận phần còn lại trong chương trình nghị sự thuế quan của ông Trump như là một điều có thật thay vì chỉ là một ý định nghiêm túc… Nếu mức độ nghiêm trọng mới này đột ngột được phản ánh vào giá tài sản, ngày thứ Hai có thể sẽ là một phiên giao dịch khó khăn”, ông Tobin Marcus - trưởng phân tích về chính sách và chính trị Mỹ của công ty Wolfe Research - nhận định trong một báo cáo.
Các sản phẩm năng lượng từ Canada và Mexico cũng không nằm ngoài chương trình áp thuế quan mới nhất của ông Trump. Riêng các sản phẩm năng lượng từ Canada bị áp thuế thấp hơn, ở mức 10%, nhằm “giảm thiểu tác động mà Mỹ có thể phải đối mặt về giá xăng và giá dầu sưởi trong nước” - một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Dù vậy, giá dầu thô giao sau vẫn tăng mạnh do giới đầu tư lo ngại thuế quan có thể gây cản trở dòng chảy thương mại năng lượng.
Theo dữ liệu từ CNBC, lúc hơn 8h theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng hơn 0,6%, giao dịch ở mức 76,15 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ tăng hơn 1,7%, đạt gần 73,8 USD/thùng, giá xăng giao sau tăng hơn 2,6%, trong khi giá khí đốt giao sau tăng hơn 9%.
Song song với việc bán các tài sản có độ rủi ro cao hơn, nhà đầu tư mua mạnh đồng USD để tìm kiếm sự an toàn. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc tăng gần 1,2% so với mức chốt của tuần trước, đạt gần 109,7 điểm.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục tại thị trường Hồng Kông. Tỷ giá USD so với nhân dân tệ có lúc đạt mức cao chưa từng thấy 7,3765 nhân dân tệ mới đổi được 1 USD - theo hãng tin Reuters. Sau đó, mức tăng của USD so với nhân dân tệ thu hẹp còn 0,7%, với 7,2552 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng đôla Canada và peso Mexico cùng giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm.
USD tăng giá 2,3% so với peso Mexico, đạt 21,15 peso đổi 1 USD, vượt mốc 21 peso/USD lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022. Đồng bạc xanh tăng 1,4% so với đôla Canada, đạt 1,4755 đôla Canada đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ năm 2003.
Đồng euro có lúc mất giá tới 2,3% so với USD, còn 1,0125 USD đổi 1 euro, thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt nguy cơ trở thành mục tiêu áp thuế quan tiếp theo của ông Trump.
Dù đồng franc Thụy Sỹ cũng là một “vịnh tránh bão” trong bối cảnh thị trường có nhiều rủi ro hiện nay, đồng USD vẫn có lúc tăng giá tới 1,1% so với đồng tiền này, đạt 0,921 franc đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Đồng bảng Anh giảm 0,8% so với USD, còn 1,23 USD đổi 1 bảng.
Đồng yên Nhật cũng giảm giá so với USD, nhưng mức giảm hạn chế hơn, có lúc giao dịch ở mức 155,25 yên đổi 1 USD, từ mức khoảng 154,4 yên đổi 1 USD vào cuối tuần trước.
Đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên vàng. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco lúc hơn 8h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 15,9 USD/oz, tương đương giảm gần 0,6%, giao dịch ở mức 2.782 USD/oz. Trước đó, giá vàng đã tăng nhẹ khi thị trường mới mở cửa.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 84,8 triệu đồng/lượng.
“Điều khiến thị trường ngạc nhiên là Canada và Mexico trả đũa ngay lập tức, và các nền kinh tế khác như Trung Quốc và EU có thể hành động tương tự, gây ra một sự sụt giảm mạnh mẽ trong thương mại toàn cầu. Ngày mà Mỹ bắt đầu thực thi thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc là ngày 4/2 cũng sớm hơn nhiều so với dự kiến”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận xét.