Chung tay xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng miền núi có chất lượng cao, có câu chuyện đẹp. Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị cho sản phẩm.

các Bộ, ngành, doanh nghiệp vào cuộc

Giai đoạn từ 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, hai nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn cho các địa phương triển khai được các hoạt động: Thứ nhất, đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa được hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhờ những giải pháp đó, giai đoạn vừa qua, việc tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng dân tộc đã đạt được những bước tiến thông qua những giải pháp cụ thể để triển khai hai nhóm nhiệm vụ này. Đó là, tổ chức những hoạt động về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; xây dựng những cẩm nang để giới thiệu về sản phẩm đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc là những khóa đào tạo, tập huấn đến hàng nghìn cán bộ của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức những điểm bán hàng hai chiều, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đưa về các vùng có đông người tiêu dùng như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà tập trung là đầu mối giao thương lớn nhất cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đáng chú ý, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh có nhiều loại nông sản đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Do đó, thời gian qua, song song với việc tìm giải pháp tiêu thụ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp để xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này.

Đơn cử, chia sẻ về câu chuyện đưa sản phẩm trà shan tuyết của bà con đồng bào Mông tại Tà Xùa và Sơn La trở thành sản phẩm hàng hóa, bà Phạm Thị Việt Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (TAFOOD) cho biết, khi quyết định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trà Shan, TAFOOD đã quyết định chọn cái tên Shanam để giúp cho người tiêu dùng định hình được việc cái tên này sẽ bảo lãnh cho một vùng mà nghe đến đó đã hình dung ra vùng đất của những sản phẩm trà chuẩn và có chất lượng tốt nhất.

Đối với Shanam - đây là cái tên đã được lựa chọn ngay từ những ngày đầu TAFOOD xây dựng nhà máy tại Tà Xùa. Shanam có nghĩa là trà shan tuyết Việt Nam - cái tên đã giúp hình dung ra cả vùng đất với những cây trà shan cổ thụ” - bà Phạm Thị Việt Hà chia sẻ.

Để sản xuất ra trà Shanam, TAFOOF đã làm việc với bà con dân tộc từ những ngày đầu. Những công nhân đầu tiên được mời vào trong nhà máy thậm chí còn không biết chữ, học mấy tháng cũng chỉ biết ký tên. Nhưng đến nay, họ đều đọc thông viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi. Hiện nay, công nhân thu mua trà nguyên liệu cũng như công nhân trong nhà máy và thậm chí là nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở xã Tà Xùa, Huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đều là người dân tộc Mông.

Điều thứ hai, TAFOOD đã dạy cho bà con biết yêu cây trà. Yêu rồi mới dạy cho công nhân thu hái làm sao để đúng kỹ thuật. Vì cây trà là cây ăn lá, nếu bà con hái đúng kỹ thuật thì mùa sau cây sẽ lại ra nhiều búp hơn và cứ như vậy sản lượng sẽ tăng lên.

Thời điểm khi TAFOOD mới lên làm việc với bà con, búp trà của cây trà Shan tuyết cổ thụ được bán với giá 20.000 đồng/kg, trong khi các cây trồng mới lại đang bán với giá là 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân là bà con sao trà Shan tuyết bằng lửa từ củi nên không đủ nhiệt để có thể diệt được men của búp trà to (một búp trà cổ thụ rất to), cho nên sẽ không tạo ra được một phẩm trà chuẩn, bà con thường hay gọi là trà đắng. Chính vì thế khi đem bán ra thị trường thì người bán gọi là trà đắng và người mua không mua.

Khi công ty lên với Tà Xùa, ngay lập tức thu mua búp trà cho bà con 40.000 đ/kg, bằng các phẩm trà mới, đồng thời yêu cầu bà con không cần phải chế biến, cứ hái về đúng kỹ thuật thì thậm chí còn được mua giá cao hơn. Khi đó, bà con nhìn thấy được lợi ích của việc hái bán đúng kỹ thuật nên cũng có ý thức và họ thấy yêu cây trà hơn.

Cho đến hiện nay, công ty còn sẵn sàng trả giá đến 150.000-160.000 đồng/kg trà được hái với kỹ thuật cao nhất, còn giá bình quân mua trà tươi tại Tà Xùa là 80.000 đồng /kg, có thể nói là cao nhất Việt Nam hiện nay.

Khi thương hiệu Shanam ra mắt thương hiệu vào tháng 12/2017, khi tham gia các hội chợ, triển lãm, những người làm đã kể cho khách hàng biết là trà này được sản xuất từ cây cổ thụ như thế nào? Thậm chí truyền thông về cây trà trước, sau đó cho khách hàng uống thử rồi mới truyền thông đến sản phẩm. Kiên trì như vậy, đến nay, sau hơn 5 năm, bà Phạm Thị Thu Hà chia sẻ, sản phẩm đã chinh phục tốt người tiêu dùng, giúp đời sống của bà con làm trà thay đổi rất nhiều.

Hoặc tại các địa phương, hiện có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lào Cai hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, chỉ dẫn địa lý Mường Khương - Bát Xát cho sản phẩm gạo Séng Cù…

Các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng và trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến, mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh và giá trị kinh tế cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng do chênh lệch giá bán.

Cụ thể như, sau khi có nhãn hiệu, sản phẩm quýt Mường Khương tăng giá bán từ 1 - 2 nghìn đồng/kg; vịt bầu Nghĩa Đô tăng từ 5 - 6 nghìn đồng/kg; mận tam Hoa Bắc Hà tăng khoảng 2 nghìn đồng/kg... Giá trị gia tăng từ sản phẩm đã giúp nâng cao thu nhập cho bà con vùng miền núi, dân tộc.

Giải pháp "dài hơi" nào để xây dựng thương hiệu cho nông sản?

Chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, trong các loại nông sản thế mạnh của cả nước, đã có hàng nghìn sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao. Việc này đặt ra vấn đề sẽ ưu tiên và tập trung vào sản phẩm nào hay xây dựng và quảng bá thương hiệu vùng miền cho tất cả sản phẩm của bà con?

Nếu làm tất cả thì tất cả cùng có thể có lợi và phát triển bao trùm, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo. Nhưng nếu làm theo phương án đại trà này thì lại gặp khó khăn về nguồn lực và kết quả chưa chắc đã ổn nếu chúng ta muốn vươn ra ở những thị trường mạnh mẽ, khó tính hơn” - ông Thành chia sẻ.

Theo TS Võ Trí Thành, điểm mạnh của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là “có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá”. Do đó, để xây dựng thương hiệu cũng không phải quá khó nếu gắn sản phẩm với tích truyện (những câu chuyện văn hóa), gắn với xu thế (câu chuyện xanh, lối sống, cách sống xanh, an toàn, nhân văn)…

TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, để có thể viết nên những câu chuyện, xây dựng được những thương hiệu cho sản phẩm vùng dân tộc thì những doanh nghiệp, đồng bào ở đấy chưa đủ nguồn lực, chưa đủ năng lực để làm, chưa nói đến việc quảng bá. Do đó, cần có rất doanh nghiệp tầm cỡ tham gia hoặc cộng hưởng lực lượng từ “nhiều nhà” tham gia. Trong đó, quan trọng nhất là những “nhà” tại bản địa. Ví dụ, trong câu chuyện sản xuất tiểu thủ công mỹ nghệ thì đó là những nghệ nhân, có thể bản thân họ chưa kể được ra câu chuyện thật sự hấp dẫn, nhưng chính cuộc đời họ và những hiểu biết của họ, cộng thêm sự hỗ trợ của các bên như các nhà văn hóa, những người làm truyền thông chất lượng sẽ tạo nên những câu chuyện rất hay.

Sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những nền tảng vô cùng tốt và quý giá, nhưng vấn đề là làm sao để nâng họ lên. Sản phẩm của họ không chỉ là kết nối của những giá trị đem lại, cũng không hoàn toàn chỉ là sản phẩm kết nối với du lịch mà còn lớn hơn thế. Đó là sức sống của rất nhiều dân tộc Việt, của đất nước này. Vì thế, chúng ta nên nhìn giá trị đó, để hỗ trợ, để thực sự làm cho nó nổi bật” - ông Thành nói.

Đồng ý kiến, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp chính là chủ thể được hưởng lợi lớn nhất từ giá trị thương hiệu sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải vào cuộc, chứng minh vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu.

Việc xây dựng thương hiệu là hành trình dài, tốn kém, song giá trị thương hiệu là điều không thể đo đếm được. Do đó, doanh nghiệp có được thương hiệu mạnh sẽ có được giá trị sản phẩm tốt, có được lợi nhuận cao từ chính giá trị thương hiệu đó” – TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong phát triển thương hiệu sản phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thiếu bóng dáng của doanh nghiệp có đủ lực và tâm, tầm. Do đó, cần tăng cường công tác liên kết giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp dù Việt Nam đã có nhiều chính sách, nhưng thực tế để đưa các chính sách vào thực tiễn cuộc sống thì còn dài, cần phải tăng cường sự liên kết và đơn giản hóa các thủ tục.

Đồng thời, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, đặc biệt là nông sản miền núi, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, người dân. Cần thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản... Có như vậy mới có thể xây dựng được thương hiệu, tăng giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Ảnh: Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (TAFOOD); TTXVN; Cấn Dũng

Phương Lan - Ngọc Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-mien-nui-356242.html