Chương trình bữa ăn miễn phí ở Indonesia
Bắt đầu từ ngày 6-1, Indonesia chính thức khởi động chương trình bữa ăn miễn phí đầu tiên trên toàn quốc, theo sáng kiến do Tổng thống Prabowo Subianto công bố.
Với tên gọi Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng, sáng kiến này là lời hứa then chốt khi tranh cử của ông Subianto, với mục đích cải thiện chất lượng sống lẫn kích thích kinh tế.
"Đây là bước đi lịch sử dành cho trẻ em độ tuổi đến trường, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ" - phát ngôn viên tổng thống, ông Hasan Nasbi, cho biết hôm 5-1. Theo Bộ Y tế Indonesia, khoảng 24,4% trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Báo Jakarta Globe đưa tin chương trình đầy tham vọng này dự kiến tiêu tốn 71.000 tỉ rupiah (4,4 tỉ USD) trong năm đầu tiên 2025, cũng là giai đoạn thử nghiệm triển khai tại 26 trong số 38 tỉnh của Indonesia.
Theo ông Dadan Hindayana, lãnh đạo Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia (BGN), mục tiêu của chính phủ là có 17 triệu người được thụ hưởng từ chương trình vào cuối năm 2025 và nâng con số này lên gần 83 triệu người vào năm 2029. Tổng dân số Indonesia vào khoảng 282 triệu người.
Ngân sách cho mỗi bữa ăn ấn định ở mức 10.000 rupiah (gần 16.000 đồng)/người. Ít nhất 190 bếp ăn do các dịch vụ ăn uống điều hành đã được mở trên toàn quốc, bao gồm một số bếp do các căn cứ quân sự quản lý.
Chương trình không chỉ nhằm kéo giảm tình trạng suy dinh dưỡng mà còn khuyến khích trẻ em đi học và cải thiện thành tích học tập. Theo Jakarta Globe, sáng kiến tương tự ở các quốc gia khác đã chứng minh rằng bữa ăn miễn phí có thể tăng cường khả năng tập trung của học sinh và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Khẳng định các khu vực nghèo nhất và xa xôi nhất sẽ được ưu tiên, Tổng thống Subianto đã đến thăm một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, sau khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái để tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho chương trình.
Ông đã ký thỏa thuận trị giá 10 tỉ USD với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11-2024 để nhận hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chương trình bữa ăn miễn phí. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ tính bền vững dài hạn của chương trình về mặt kinh tế khi nguồn tài chính phụ thuộc vào chính phủ trung ương.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuong-trinh-bua-an-mien-phi-o-indonesia-196250106205232295.htm