Chuyện 7 phiến ngọc báu của nước nhà bị thất tán

Trông thấy 7 cây ngọc Như ý, học giả Vương Hồng Sển đã phải thốt lên: 'Tôi thấy chóa mắt và tim bỗng đập mạnh, vì chưa bao giờ thấy một số ngọc nhiều, to lớn và quý đến bực nầy'.

Tượng La Hán tọa sơn bằng đá quý trưng bày tại triển lãm “Ngọc xuất danh sơn”

Tượng La Hán tọa sơn bằng đá quý trưng bày tại triển lãm “Ngọc xuất danh sơn”

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) vừa rồi, ông Trần Đình Sơn (TĐS) đã làm giới nghiên cứu, đam mê cổ ngoạn “choáng váng” với triển lãm “Ngọc xuất danh sơn” tại Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu (114 Mai Thúc Loan - Huế), trưng bày gần 100 cổ vật được chế tác tinh xảo bằng ngọc và đá quý. Nhân triển lãm này, đề tài ngọc quý được bàn tán khá rôm rả. Quý và hiếm thì hẳn rồi, miễn bàn cãi. Bên cạnh đó, ngọc được xem là tượng trưng cho sự cao quý và thuần khiết, có khả năng trấn xú trừ tà, hút tài vượng phúc… Cái đó thì tùy quan niệm mỗi người, cũng không nhất thiết phải tranh cãi. Duy có chút phân vân khi nghe và đọc mấy thông tin liên quan chuyện ngọc nhân triển lãm của TĐS, rằng nước Nam ta gần như không có mỏ ngọc lớn, các triều phong kiến phải nhập khẩu ngọc thành phẩm từ ngoài về...

Những thông tin ấy khiến tôi nhớ về những câu chuyện nóng sốt một thời về mỏ đá đỏ ở Quỳ Châu (Nghệ An), nơi từng có viên ruby được tìm ra và đấu giá hơn nửa triệu USD thời những năm đầu thập kỷ 1990. Thử tra cứu dữ liệu về các mỏ đá quý của ta xem sao. Chỉ một cú nhấp chuột, thấy hiện ra top 10 mỏ đá quý của Việt Nam: Mỏ Tân Hương (Yên Bái) từng khai thác được một viên ruby có trọng lượng kỷ lục 2.6kg. Mỏ Trúc Lâu cũng ở Yên Bái ghi nhận kỷ lục khai thác được viên ruby nặng tới 2kg. Mỏ Thường Xuân (Thanh Hóa) có trữ lượng Hoàng ngọc ước tính đạt tới 42 tấn!...

Tượng La Hán hàng long bằng đá quý trưng bày tại triển lãm “Ngọc xuất danh sơn”

Tượng La Hán hàng long bằng đá quý trưng bày tại triển lãm “Ngọc xuất danh sơn”

Sẽ có người nói, đó là những mỏ mới phát hiện sau này, còn xưa có thể chưa tìm được. Lý lẽ ấy cũng chưa thuyết phục tôi và có thể một số người nữa nếu từng “nghe” chuyện của lão học giả Vương Hồng Sển kể về chuyến thăm Đài Loan của ông vào năm 1963 theo lời mời riêng từ ông Trần Thành, lúc đó là Phó Tổng thống của vùng lãnh thổ này. Chuyến đi Đài Loan năm ấy, lão học giả họ Vương được biệt đãi đưa đến Đài Trung thăm một kho ngọc được cất giữ trong hang núi. Và cụ đã được tận thấy 7 cây gậy Như ý bằng ngọc quý được giấu kỹ ở đây. Là người từng “lặn ngụp” trong thế giới của các loại ngọc quý từ Âu sang Á, tưởng không có gì là quá lạ lùng đối với cụ, vậy mà khi thấy 7 cây ngọc Như ý nói trên, cụ Vương đã phải thốt lên: “Tôi thấy chóa mắt và tim bỗng đập mạnh, vì chưa bao giờ thấy một số ngọc nhiều, to lớn và quý đến bực nầy”. Điều đặc biệt nữa là sau khi quan sát kỹ, lão học giả Vương Hồng Sển đã phát hiện một sự thật chấn động là 7 cây Như ý vô giá ấy vốn là của nước ta!

***

Trong hồi ký “Hơn nửa đời hư”, Vương Hồng Sển đã kể lại tỉ mỉ và rất ly kỳ câu chuyện gặp 7 cây Như ý lưu lạc như sau: Một hôm cụ được đưa đến Đài Trung, và được mở kho đặc biệt trữ ngọc trong hang núi cho xem từng món một theo yêu cầu, từ ngọc cổ đời Thương - Châu - Tần - Hán, đến đồ gốm men ngọc đời Tống… Xem xong, đang định rời đi thì ông Bao Tôn Bành (Quán trưởng Bác vật quán) níu cụ nán lại để cho xem riêng bảy cây ngọc lạ… Phải chờ nhân viên về hết, ông quán trưởng mới lấy trong tủ sắt lớn ra 7 cái hộp lớn được chạm trổ rất khéo đựng bảy cây Như ý. Khi mở nắp hộp ra, như trên đã kể, cụ Vương “thấy chóa mắt, tim bỗng đập mạnh”. Cụ mô tả: “Mỗi cây đều có một vẻ sang riêng biệt không khác tôi đứng trước mắt bảy nàng hoa khôi bảy nước, mà nàng nào cũng thiên kiều bá mị không thua kém một ai.

Ngọc thứ nhứt là một cây Như ý nguyên khối, toàn một màu trắng ngà, danh từ chuyên môn gọi tuồng như mỡ trừu, Pháp viết Jou - I jade, graisse de mouton, có lẽ dịch ngay trong từ ngữ Hoa: “Như Ý bạch ngọc dương”. Cán cây Như ý nầy để nguyên vóc ngọc, cong cong queo queo, không sửa lại ngay, vì sửa ngay, mất nhiều ngọc quý, duy nét chạm thật tinh vi, chỗ khác chỉ cạo gọt sơ mà chỉ tô điểm thêm chút ít, tùy hòn ngọc lồi lõm, ngọc muốn trổ hình thì giữ y như vậy, nhưng lạ thay cho nét thần của Tạo hóa, rõ ràng như hình tiên đứng trên mây tản vân, thật là trời khéo chiều ý người, vừa thiên tạo, cũng vừa nhơn tạo… Không biết xưa ông tiên, ông thánh hay ông vua nào được cầm ngọc Như ý nầy trên tay, sướng quá!

 NNC Trần Đình Sơn giới thiệu bộ sưu tập “Ngọc xuất danh sơn”

NNC Trần Đình Sơn giới thiệu bộ sưu tập “Ngọc xuất danh sơn”

Cây ngọc thứ hai, đẹp trội hơn nữa vì nhiều màu hơn, và đây là ngọc mã não bám khói đèn (agate fumeé)…

Cây ngọc Như ý thứ ba, màu hường xen màu đỏ huyết (quarlz rose avec traces couleur de sang), cây nầy cổ quái không thể tả…

Cây ngọc Như ý thứ tư, là ngọc thạch màu bí đao (joui jade blanc de melon) loại nầy trắng pha thanh lục, cũng một loại với ngọc thạch mỡ trừu, nhưng giá kém hơn; nhưng có người lại thích, vì màu trong suốt, tinh anh, khả ái.

Cây ngọc Như ý thứ năm, màu vàng đục, trổ lốm đốm đen đen.

Cây Như ý thứ sáu và cây Như ý thứ bảy, hình cong queo, không giống năm cây Như ý trước, nhưng vẻ xinh không kém. Nhìn thật kỹ, thấy mỗi cây, làm bằng ba khúc ngọc ráp lại coi như liền, nhưng có mộng khéo và có lỗ mộng nơi đầu kia vừa vặn, ba khúc ráp lại nhau, người nào không để ý tưởng là ngọc liền, hai cây Như ý nầy tỏ ra người thợ nào chế tác ra nó, mới quả là một xảo công kỳ thú, có mắt biết xem ngọc và lợi dụng khai thác từng tiểu tiết của ngọc...”.

Và trong lúc chưa kịp “hoàn hồn”, tay thì vẫn tiếp lục mân mê bảy cây Như ý “vì biết rằng vật nầy gặp đây cho đến chết không gặp lại nữa”, bất ngờ cụ bị vị Quán trưởng họ Bao mở lời: “Ông có biết ngọc thuộc đời nào, do xứ nào chế tạo, xuất xứ từ đâu?”. Mới lần đầu giáp mặt báu vật mà bị thách đố như thế, tưởng chỉ có chết đến nơi. Thế nhưng, vừa định thần quan sát kỹ vừa dùng kế hoãn binh hỏi loanh quanh ít câu, lão học giả họ Vương đã làm ông Quán trưởng Bác vật quán phải nghiêng mình bái phục khi đoán trúng phóc đó là 7 phiến ngọc quý của nước Nam ta, do vị vua bất tài Lê Chiêu Thống đã mang sang “lót tay” cho vua Càn Long mong Thanh triều cử “viện binh” đánh lại nhà Tây Sơn. Kết cuộc ngọc quý mất, “viện binh” bị đánh cho tơi tả, còn Lê Chiêu Thống thì cũng thân tàn danh liệt, để tiếng xấu muôn đời...

Đọc chuyện, tôi vừa ngẩn ngơ tiếc cho báu vật của đất nước “khi không” lọt vào tay người ngoài; lại vừa giật mình kinh hãi cho kiến thức thâm hậu của Vương lão tiền bối. Mạo muội tóm lược đôi dòng để cùng biết thêm lịch sử; và cũng để nói rằng chúng ta không việc gì phải quá mặc cảm với bàn dân thiên hạ khi luận bàn về chuyện ngọc.

Diên Thống

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/chuyen-7-phien-ngoc-bau-cua-nuoc-nha-bi-that-tan-137710.html