Chuyện bên Tượng đài chiến thắng Long Khánh

Tượng đài chiến thắng Long Khánh là một công trình đền ơn đáp nghĩa của nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh xương máu cho ngày đất nước thống nhất. Tượng đài gồm một nam, một nữ chiến sĩ giải phóng quân trong khí thế hùng dũng tiến về Sài Gòn. Ít ai biết hình tượng nữ chiến sĩ giải phóng trên tượng đài ấy khắc họa một cô gái thông minh, quả cảm hoạt động trong lòng địch, với mật danh H25 - Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương.

Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và các đồng nghiệp Báo Đồng Nai bên Tượng đài chiến thắng Long Khánh. Ảnh: Lăng Khoa

Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và các đồng nghiệp Báo Đồng Nai bên Tượng đài chiến thắng Long Khánh. Ảnh: Lăng Khoa

Tháng Tư, bầu trời Long Khánh cao lồng lộng, nắng cũng tươi hơn như hối thúc mùa hoa giấy đua nở. Trong rực rỡ cờ hoa, lòng người phấn chấn chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi - những người con của vùng đất Thái Nguyên, đã vượt cả ngàn cây số về bên chân Tượng đài chiến thắng Long Khánh, để được nghe những câu chuyện về một thời hào hùng “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”.

Quốc lộ 1A, đoạn qua trung tâm TP. Long Khánh, Tượng đài chiến thắng uy nghi, sừng sững với 12 bậc cấp, tượng trưng cho 12 ngày đêm chiến dịch giải phóng Long Khánh (từ ngày 9 đến 21/4/1975). Khối tam giác có chiều cao 9m và thân tượng cao 1m, tổng cộng 21m, mang ý nghĩa ghi nhớ sự kiện ngày 21/4/1975 quân, dân Long Khánh cùng các lực lượng vũ trang của ta quyết liệt chiến đấu, đập tan “cánh cửa thép” tử thủ của quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn vùng đất Long Khánh, mở đường cho đại đoàn quân tiến về Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Qua từng bậc tam cấp, lòng nhẹ lâng trong hơi gió mát lành từ những gốc cổ thụ bên kia đường thoảng lại, gợi cho tôi liên tưởng về những trận đánh “long trời, lở đất” làm Mỹ, Ngụy kinh hãi. Đứng dưới chân Tượng đài chiến thắng, nhiều người dân Đồng Nai nói với nhau về bức tượng cô gái đang chỉ tay về hướng TP. Hồ Chí Minh là nữ biệt động Hồ Thị Hương, mang mật danh H25. Ngay giữa lòng địch, nữ biệt động ấy đã cùng đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh “kinh thiên động địa” làm Mỹ, Ngụy khiếp đảm. H25 đã hy sinh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hồ Thị Hương là người Bình Định, năm 9 tuổi (1963) theo cha mẹ lưu lạc về Long Khanh. Hằng ngày chứng kiến cảnh Mỹ, ngụy bắt bớ, tra khảo, giết đồng bào mình vô cớ, cô bé Hương sớm có lòng căm thù giặc sâu sắc. 16 tuổi chị tham gia hoạt động tại cơ sở an ninh mật ở TX. Long Khánh, được phân công vào đội trinh sát vũ trang.

Tượng đài chiến thắng Long Khánh, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng ở tỉnh Đồng Nai.

Tượng đài chiến thắng Long Khánh, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng ở tỉnh Đồng Nai.

Câu chuyện về những trận đánh của H25 làm Mỹ, ngụy khiếp đảm được bắt đầu từ đây. Trong quãng thời gian 5 năm, H25 đã cùng đồng đội trực tiếp đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Với vóc dáng “Yểu điệu thục nữ”, H25 thường xuyên thâm nhập vào những nơi sĩ quan, binh lính Mỹ, ngụy tụ tập ăn chơi sau những đợt càn quét, đốt nhà, giết người, cướp bóc.

Các trận đánh được dùng bằng mìn định giờ đã tiêu diệt hàng trăm tên mật vụ, biệt kích, cảnh sát đặc biệt, lính chiêu hồi. Đó cũng là những trận đánh của lực lượng cách mạng cài cắm trong lòng địch để cảnh cáo bọn ác ôn phản động.

Trận đánh vang dội của H25 được nhiều người biết đến là trận đánh mìn tại quán Hoàng Diệu. Hôm đó, ngày 13/12/1974, lúc 21 giờ 15 phút, bọn thám sát thuộc Sư đoàn 18 ngụy quân tụ tập ăn nhậu. Bằng 1 quả mìn hẹn giờ chứa 2kg thuốc nổ, chị cùng một nữ đồng đội đã tiêu diệt tại chỗ 33 tên thám sát ác ôn và hàng chục tên khác bị thương. Ít ngày sau đó, cũng bằng mìn hẹn giờ, H25 cùng 2 nữ đồng đội tiêu diệt gần 20 sĩ quan và binh lính ngụy tại quán Ngọc Hương.

Chị liên tục lập công, nhưng có một ngày không nên có đã đến. Hôm ấy, ngày 29/1/1975, H25 được trên giao nhiệm vụ tiêu diệt bọn ác ôn an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt, tình báo Tiểu khu Long Khánh và quan chức chính quyền Ngụy Sài Gòn tại quán ăn Song Nga. Quán nằm kề khu vực hậu cứ của Sư đoàn 18, phía trên quán là Đồn Hoàng Diệu. Sau khi chị cài xong mìn hẹn giờ, rút ra ngoài an toàn thì bọn địch thấy bất an, tự giải tán.

Sự việc diễn ra ngoài ý muốn, địch đã không ở đó nên buộc phải hủy trận đánh để tránh gây thương vong cho nhân viên làm việc trong quán. H25 quyết định trở vào lấy lại mìn mang ra ngoài tháo gỡ kíp nổ. Song vì đã muộn, H25 ôm chiếc túi xách lao ra khỏi quán được hơn chục mét, chưa kịp tháo ngòi nổi thì… Rầm… H25 - Hồ Thị Hương hy sinh tại chỗ, nhưng người dân xung quanh được an toàn.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 714 của Trung đoàn 165, sư đoàn 7, Quân đoàn 4, lập nhiều chiến công trong 12 ngày đêm chiến dịch giải phóng Long Khánh.

Chiếc xe tăng mang số hiệu 714 của Trung đoàn 165, sư đoàn 7, Quân đoàn 4, lập nhiều chiến công trong 12 ngày đêm chiến dịch giải phóng Long Khánh.

Đã nửa thế kỷ đất nước thống nhất, hoa đã nở tươi ngời lấp đi vết đạn bom thù. Từ năm 1978, nữ biệt động mang mật danh H25 - Hồ Thị Hương được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

TP. Long Khánh có một mái trường mang tên người Anh hùng Hồ Thị Hương. Và mỗi ngày, bên chân Tượng đài chiến thắng, câu chuyện về nữ biệt động mang mật danh H25 vẫn được người dân Long Khánh kể lại cho nhân dân, du khách bằng một niềm tự hào.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/202504/chuyen-ben-tuong-dai-chien-thang-long-khanh-7f10622/