Chuyển biến từ nghị quyết về vườn hộ
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm ban hành Nghị quyết 07 về phát triển kinh tế vườn hộ bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp được huyện ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vườn hộ bền vững.

Phát triển kinh tế vườn hộ đã mang lại những kết quả tích cực tại Bảo Lâm
Bám sát quan điểm chỉ đạo của nghị quyết, UBND huyện Bảo Lâm xây dựng, ban hành Kế hoạch số 106 về phát triển kinh tế vườn hộ bền vững giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 để tổ chức triển khai thực hiện. Sau 4 năm, nghị quyết từng bước thay đổi nhận thức của nông dân về tập quán canh tác, mạnh dạn đổi mới tư duy sản xuất, thay thế những mô hình sản xuất kém hiệu quả bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Chuyển biến lớn nhất là huyện đã giúp các nông hộ tạo lập các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường tính liên kết, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong 4 năm qua, Bảo Lâm có thêm 16 trang trại được công nhận, nâng tổng số trang trại trên địa bàn lên 171 trang trại, thu hút hơn 1.250 lao động. Hiện, doanh thu bình quân của mỗi trang trại đạt 1,7 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập mới 12 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã lên 24 hợp tác xã. Doanh thu bình quân hàng năm của mỗi hợp tác xã đạt từ 500 - 700 triệu đồng. Bảo Lâm còn duy trì, phát triển 17 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cung ứng vật tư nông nghiệp, cũng như tổ chức tiêu thụ nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, tạo diện mạo nông thôn mới. Việc tổ chức xây dựng thành công các mô hình kinh tế liên kết đang là động lực lớn thúc đẩy nông dân vươn lên làm giàu từ chính vườn hộ gia đình.
Cùng với khuyến khích nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện chú trọng chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các nông hộ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017 - 2020, Bảo Lâm mở 276 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật và phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả cho hơn 11.000 lượt nông hộ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện quan tâm và trong 4 năm qua, huyện tổ chức 14 lớp dạy nghề cho 416 học viên. Thông qua các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật và dạy nghề, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện là 6.900 ha. Trong tổng số 33.614 ha cà phê hiện có của Bảo Lâm, đến nay, người dân đã chuyển đổi được hơn 28.424 ha cà phê giống mới. Tương tự, nông dân nơi đây đã trồng được hơn 5.928 ha chè chất lượng cao, trong tổng số 7.200 ha chè. Qua chuyển đổi, năng suất cà phê bình quân đạt 34,5 tấn/ha và năng suất chè bình quân đạt 137 tạ/ha. Ngoài ra, huyện còn chuyển đổi và trồng mới được 4.656 ha cây ăn trái và 385 ha cây dâu tằm.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong giai đoạn 2017 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển vườn hộ trên địa bàn hơn 832 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp hơn 807 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn hỗ trợ này, cùng với các chính sách, chương trình, giải pháp khác, nông dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Nhờ đó, số hộ giàu của huyện ngày càng tăng. Thống kê của UBND huyện Bảo Lâm chỉ rõ: Hiện nay, Bảo Lâm có 2.419 hộ giàu (chiếm 7,78%), tăng 1.225 hộ so với năm 2017; số hộ khá là 7.933 (chiếm 22%), tăng 2.531 hộ so với năm 2017; số hộ hạn chế về tiềm lực còn 3.549 (chiếm 11,4%), giảm 3.009 hộ so với năm 2017. Thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác đối với những hộ giàu là 190 triệu đồng/năm, với các hộ khá là 160 triệu đồng/năm và với những hộ hạn chế về tiềm năng là 105 triệu đồng/năm.
Những con số vừa nêu cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 07 của Huyện ủy Bảo Lâm đã tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Mô hình kinh tế vườn hộ góp phần hình thành và từng bước củng cố phát triển các chuỗi liên kết giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/chuyen-bien-tu-nghi-quyet-ve-vuon-ho-3084079/