Phụ nữ Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh
100 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được tập huấn cung cấp các kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh.

Đại biểu tham dự Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp và chuyển đổi xanh 2024 tham quan gian hàng của phụ nữ huyện Gò Công Đông. Ảnh: Xuân Uyên
Ngày 22/4, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang tổ chức lớp tập huấn truyền thông cộng đồng hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh và thông tin kết quả khởi nghiệp của các mô hình thành công trên địa bàn tỉnh.
Đây là hoạt động thuộc Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giai đoạn 2017- 2025 (Đề án 939).
Tham dự và phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kiều Tiên thông tin: Năm 2025 là năm cuối của Đề án 939, cũng là năm tổng kết giai đoạn 2017 - 2025. Vì vậy, các hoạt động trong năm, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số hôm nay càng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và đồng hành của các cấp Hội trong việc tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh.
Đề án 939 đã tạo nguồn động lực lớn, tiếp sức cho hàng ngàn phụ nữ trong tỉnh Tiền Giang vững bước trên hành trình khởi nghiệp, làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Hội viên phụ nữ tham dự lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, 100 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã được đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, cán bộ Hội LHPN tỉnh cung cấp các kiến thức hữu ích trong hoạt động kinh doanh như: Hướng dẫn thực hành ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, công nghệ bán hàng, kỹ năng tiếp thị số, marketing, cách viết nội dung quảng bá sản phẩm, livestream bán hàng; chăm sóc khách hàng, tạo thông tin sản phẩm trên mã QR.…
Các thành viên đã mạnh dạn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế để cùng nhau hỏi, trau dồi. Thông qua lớp tập huấn, với những nội dung thiết thực, bổ ích sẽ góp phần giúp hội viên, phụ nữ ứng dụng hiệu quả trong việc bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số.
Được biết, thực hiện Đề án 939, tại Tiền Giang, đã có 732 chị em phụ nữ đã được hỗ trợ khởi sự kinh doanh (đạt gấp hơn 3,5 lần so với chỉ tiêu đề ra); 13 hợp tác xã và 15 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ đã được thành lập và phát triển bền vững, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ; tổ chức 56 lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh và hơn 320 lớp đào tạo nghề, giúp gần 10.000 phụ nữ nâng cao năng lực, kỹ năng trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Hội LHPN Tiền Giang và các đối tác trao phương tiện sinh kế là laptop và vốn cho phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Xuân Uyên
Đặc biệt đến nay, 100% cơ sở Hội đã ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, cũng như hoạt động Hội; hình thành 19 nhóm phụ nữ với công nghệ 4.0.
Các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm ngày hội, hội thi khởi nghiệp, với hơn 1.100 ý tưởng kinh doanh (trong đó, có 1 dự án đạt giải cấp quốc gia). Những con số trên không chỉ là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực bền bỉ của các cấp Hội mà còn thể hiện rõ nét vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương, trong kỷ nguyên số...