Chuyện cái tên ở vùng đất phương Nam

Lịch sử Sài Gòn - Gia Định - TPHCM hơn 300 năm luôn gắn với những địa danh văn hóa, lịch sử, truyền thống của từng vùng đất từ thời khẩn hoang đến nay. Những cái tên Tân Bình, Thủ Ngữ, Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận…, đã ăn sâu trong đời sống của nhiều thế hệ cư dân di dân đến sinh sống tại vùng đất trù phú, phát triển này.

Giải nghĩa cho các địa danh mang tên quen thuộc này, sử gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (năm nay 104 tuổi) nói: “Thời Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy tên Tân Bình đặt cho huyện Tân Bình. Tân Bình thuộc phủ Gia Định (chưa lên cấp tỉnh). Còn dưới huyện Tân Bình có nhiều xã, trong đó có xã Phú Nhuận mang tên quận Phú Nhuận ngày nay. Phú Nhuận là địa danh thể hiện địa giới hành chính cấp xã, được thời Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra. Nguyễn Hữu Cảnh là người Quảng Bình vào, nên các địa danh thôn xã của Gia Định đều lấy từ tên các địa danh ở Quảng Bình. Tân Bình cũng là từ tên địa danh ở Quảng Bình đưa vào, với ngụ ý những người di cư là người Quảng Bình hãy luôn nhớ lấy quê nhà. Phủ Gia Định lúc bấy giờ có 2 huyện là Tân Bình và Phước Long (Biên Hòa hiện nay)”.

 Cánh đồng hoa hướng dương tại TP Thủ Đức, phía xa là khu trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cánh đồng hoa hướng dương tại TP Thủ Đức, phía xa là khu trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng theo sử gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, huyện Tân Bình có 2 tổng được đặt tên từ 2 từ tách ra là Tân và Bình cho tổng Tân Phong và tổng Bình Dương. Đến đời Minh Mạng, dân đông lên, ruộng đất canh tác được mở ra nhiều, 2 tổng Tân Phong và Bình Dương lại tách ra thành 4 tổng, dưới các tổng này có nhiều xã, thôn. Sau này, chính quyền cách mạng xóa bỏ cấp tổng, nên không ai còn nhớ đến các tổng nữa.

Với tên gọi Gò Vấp, theo sử gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tên này có khởi nguồn là địa danh, không phải đơn vị hành chính của thời khẩn hoang. Gò Vấp là địa danh nổi tiếng, nơi sản xuất thuốc lá rất nhiều, nuôi tằm kéo tơ lụa và nhuộm. Vải dệt ra còn mộc, trắng. Muốn nhuộm màu gì phải có thuốc để nhuộm. Thuốc ngày xưa chỉ là vỏ cây và lá cây, có loại cho ra màu đỏ, nhưng có loại cho ra màu nâu, màu đen. Các màu này đều được làm từ vỏ cây và bùn. Màu đen thì làm từ củ nâu lấy trên rừng, giã lấy nước nhuộm là ra màu nâu (trong Nam gọi là màu đà, nhà sư hay mặc). Vải màu nâu muốn có màu đen thì trải tấm vải xuống đất, bốc bùn non sâu dưới lớp ao hồ lên trét phơi 1 ngày là ra màu đen. Cho nên, quần áo màu đen của phụ nữ xưa kia đều được nhuộm từ đây.

Gò Vấp là địa danh nổi tiếng ai cũng biết. Muốn mua vải, tơ lụa thì đến Gò Vấp, mua thuốc lào cũng đến Gò Vấp. Thời Nguyễn Hữu Cảnh, ảnh hưởng của Nho giáo, nên đa số xã, thôn đều đặt bằng tiếng Hán - Việt, phần lớn được lưu dụng trong giới trí thức và mặt hành chính. Nhưng dân chúng không gọi theo tên Hán - Việt mà thường gọi theo tên Nôm. Chính vì vậy, hầu hết các tên gọi địa danh sau này đều có xuất xứ từ tiếng Nôm của dân chúng thời khởi thủy như Bình Chánh, Nhà Bè…

Tuy nhiên, có hai địa danh lại mang sự khác biệt, đó là Gò Vấp và Thủ Đức. Địa danh Gò Vấp không mang ý nghĩa Hán - Việt hay Nôm mà nguyên ở vùng đất này trước kia có các gò đất cao, rộng, người dân trồng rất nhiều cây vấp. Cây vấp có thân to, tán rộng, dùng làm cột kèo nhà. Thời khẩn hoang, các vùng đất mới mở chưa có tên gì cả, người dân quen gọi tên gắn với những đặc tính của vùng đất, sau thành tên địa danh. Đến thời Pháp đã lấy luôn tên địa danh đặt thành quận Gò Vấp. Còn tên gọi Thủ Đức cũng có từ rất lâu rồi, vốn ban đầu không phải tên một địa danh. Thời Nguyễn Hữu Cảnh, vùng này có ông tên Đức, giàu có nhất vùng nên được ban cho chức là “ông Thủ”, chuyên đi thu thuế của dân để đóng cho nhà nước. Người dân quen gọi lâu ngày thành tên gọi địa danh Thủ Đức.

So sánh tên gọi của các đơn vị hành chính ở Hà Nội có khác với các địa phương phía Nam. Người dân Hà Nội và phía Bắc chịu ảnh hưởng văn hóa dân tộc, cho nên khi đặt tên cho các đơn vị hành chính đều đặt tên chữ, không có đơn vị hành chính nào được đặt theo số. Còn ở Nam bộ chịu ảnh hưởng của chế độ thực dân Pháp theo văn hóa châu Âu, đa số dùng chữ số cho tên gọi địa danh (quận nhất, quận nhì, ba, bảy; phường 1, 2, 3…). Thậm chí, tên người, tên đường cũng được lấy chữ số đặt cho.

Việc đặt tên cho một số con đường sau này hay lấy chữ số đặt là chưa phù hợp (đường số 1, 2, 3), mà có lẽ nên đặt theo tên người (danh nhân) và tên đất (địa danh). Tên người để biểu dương, còn tên đất là để ghi nhớ gốc tích của vùng đất đó.

Tới đây, thành phố thực hiện chủ trương sáp nhập một số địa giới hành chính thì nếu đổi thành chữ hoặc địa danh (tên đất), hoặc tên người (danh nhân), hoặc là sự kiện quan trọng xảy ra ở vùng đất đó, như ở quận 1 từng đặt tên các phường là số, sau đổi thành tên địa danh (Bến Nghé, Bến Thành, Đa Kao, Cầu Kho…) thì sẽ là điểm nhấn ghi nhớ về con người, vùng đất. Như ở quận 4 có phường Khánh Hội vốn cũng chính là tên địa danh của vùng đất này trước đây. Chính vì thế, đã từng có đề xuất đổi tên quận 1 hiện nay thành quận Thủ Ngữ (Thủ Ngữ là tên gọi nổi tiếng có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh, là nơi cập bến ghe tàu ở khắp nơi về). Dĩ nhiên, việc lựa chọn còn phải cân nhắc nhiều đến sự phù hợp, tránh làm phiền và tạo sự thuận lợi cho cuộc sống người dân, đồng thời giúp người dân, du khách hiểu thêm về lịch sử vùng đất mình đang sống, đang ghé thăm này.

HOÀI NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-cai-ten-o-vung-dat-phuong-nam-post741605.html