Chuyển dịch năng lượng: Hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững
Chuyển dịch năng lượng không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với ngành năng lượng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn cầu

Hoạt động vận hành tại nhà máy điện Nhơn Trạch 2. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Chuyển dịch năng lượng hiện đang là xu thế tất yếu, mang tính toàn cầu, phản ánh sự thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, tiêu thụ và quản lý năng lượng. Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 cần sự đồng bộ từ cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư và cải cách trong ngành năng lượng.
Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 do Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức sáng nay (28/7) tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động.”
Chuyển dịch năng lượng xu thế tất yếu
Tại Việt Nam, các văn kiện định hướng như Nghị quyết số 55-NQ/TW (2020) của Bộ Chính trị, Quyết định 896/QĐ-TTg (2022) và cam kết của Thủ tướng tại COP26 đã xác lập nền tảng chính sách cho quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.
Với ngành lọc hóa dầu-lĩnh vực sử dụng năng lượng lớn và phát thải nhiều CO2-quá trình chuyển đổi càng cấp thiết, không chỉ để thích nghi với áp lực môi trường mà còn bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả dài hạn và cơ hội phát triển trong kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn, phi carbon.
Đại diện Ban Chiến lược-Petrovietnam đánh giá, mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác dầu khí truyền thống đang giảm dần tính hiệu quả. Trữ lượng ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác có xu hướng suy giảm tự nhiên trung bình 10-15%/năm, trong khi chi phí khai thác tại các mỏ nước sâu, xa bờ, mỏ nhỏ cận biên ngày càng cao.
Việc phát triển mỏ mới gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, tài chính và địa chính trị. Áp lực gia tăng còn đến từ các cam kết khí hậu toàn cầu và xu thế chuyển dịch sang năng lượng sạch, làm giảm dư địa phát triển cho dầu khí trong dài hạn. Đây là một thách thức nội tại, thúc ép Petrovietnam phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới.

Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 do Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức sáng nay (28/7) tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Song song với sự suy giảm tự nhiên, xu thế hạn chế nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tạo ra một rủi ro hiện hữu đối với các dự án dầu khí. Các chính sách về khí hậu, thuế carbon và sự phát triển của năng lượng tái tạo có thể làm cho các dự án dầu khí hiện tại và tương lai bị giảm hiệu quả kinh tế, thậm chí không thể triển khai. Đây là một bài toán chiến lược mà mọi tập đoàn dầu khí trên thế giới đều phải đối mặt.
Đặc biệt, để tham gia vào các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, sản xuất Hydrogen, Amonia xanh hay phát triển điện hạt nhân, Petrovietnam phải đối mặt với một yêu cầu về vốn đầu tư khổng lồ, với suất đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài. Việc huy động, sắp xếp và tối ưu hóa các nguồn vốn này trong bối cảnh cạnh tranh và các quy định tài chính hiện hành là một thách thức vô cùng lớn.
“Việc thiếu cơ chế vận hành linh hoạt, quy định chưa rõ ràng về đầu tư, đấu nối, cấp phép, chuyển nhượng hay huy động vốn khiến Petrovietnam gặp khó khăn trong việc triển khai nhanh và quy mô lớn các dự án năng lượng mới. Đây là rào cản trực tiếp làm chậm quá trình chuyển đổi danh mục đầu tư của Tập đoàn,” đại diện Ban Chiến lược - Petrovietnam thông tin.
Còn theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, tổng công suất lắp đặt tổng thể các nguồn điện của Việt Nam trong giai đoạn gần đây tăng khá chậm, trong khi đó tiêu thụ điện lại tăng đều. Đặc biệt, nửa đầu năm 2025, tiêu thụ điện lại tăng không quá 3%, từ đó là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý, EVN và các hộ tiêu thụ.
Về tình hình các dự án điện khí LNG theo quy hoạch điện 8 và quy hoạch năng lượng quốc gia, tính đến tháng 6/2025, hiện PVPower hoàn thành 2 dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 công suất 1.624 MW, tuy nhiên vẫn chưa được huy động sản lượng. Ngoài ra, các dự án khác hiện vẫn khó khăn trong quá trình triển khai. Đơn cử, nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước 1 (1.200 MW) dự kiến triển khai năm 2026 nhưng đến nay vẫn chưa đàm phán xong thỏa thuận mua bán điện (PPA).
Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên là do các quy định mới tại Nghị định số 100/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực, nhưng chưa đủ tháo gỡ trong đàm phán hợp động mua bán điện (PPA); chưa có cơ sở pháp lý để bảo lãnh thay thế bảo lãnh Chính phủ trong việc vay vốn/thu xếp vốn cho các dự án điện BOT, IPP (dự án điện độc lập)…
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ điện khí LNG tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong quy hoạch điện 8 và quy hoạch điện 8 điều chỉnh; việc xây dựng kho cảng LNG tập trung chưa có quyết sách rõ ràng, nhiều nhà máy điện khí LNG được phê duyệt trong quy hoạch nhưng chưa có kho LNG nhập khẩu phù hợp hoặc hệ thống đường ống kết nối…
Từ những dẫn chứng nêu trên, ông Nguyễn Quốc Thập kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng và ban hành luật năng lượng quốc gia tích hợp toàn diện các luật điện lực và các luật liên quan, đồng bộ hóa quy hoạch cảng LNG-Nhà máy-Truyền tải-Các hộ tiêu thụ công nghiệp lớn và ban hành cơ chế/khung giá điện khí LNG theo hướng linh hoạt, tiệm cận thị trường, có cam kết bao tiêu sản lượng điện và khí (Qc)…
“Quy hoạch điện 8, quy hoạch năng lượng quốc gia đưa ra một số địa chỉ mang tính nguyên tắc, song việc quy hoạch theo cụm, theo chuỗi vẫn chưa được thực hiện,” ông Nguyễn Quốc Thập nêu dẫn chứng.
Cần đồng bộ từ cơ chế chính sách
Trong bối cảnh đó, chuyển dịch năng lượng không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu đối với ngành năng lượng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực…
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược, Việt Nam đang đứng trước thách thức huy động trên 135 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030 cho lĩnh vực năng lượng, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB, 2022).
Ông cho rằng, để thích ứng với cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050 của Việt Nam tại COP26, Petrovietnam cần tái định vị mình là nhà đầu tư năng lượng tích hợp toàn diện, bao phủ cả năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ carbon thấp.
“Trong kỷ nguyên chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh không chỉ là công cụ mà phải trở thành năng lực cốt lõi của các tập đoàn năng lượng quốc gia. Việc thành lập Quỹ đầu tư chuyển dịch năng lượng Petrovietnam sẽ giúp Tập đoàn vượt khỏi vai trò nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tiến tới trở thành nhà kiến tạo hệ sinh thái tài chính-công nghệ-hạ tầng cho năng lượng bền vững, đồng hành cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam,” chuyên gia Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Các chuyên gia phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cùng nội dung này, tiến sỹ Nguyễn Hữu Lương, Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, đến năm 2050, bức tranh năng lượng thế giới vẫn là hỗn hợp của nhiều dạng năng lượng, trong đó, dầu khí vẫn chiếm một vai trò nhất định như là nguồn cung năng lượng sơ cấp trong các hoạt động của xã hội loài người.
Để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp và xây dựng danh mục đầu tư bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa việc duy trì hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến dầu khí, phân phối sản phẩm cùng với việc đầu tư và chuyển đổi, thích nghi dần vào nguồn năng lượng sạch.
“Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt khả năng cạnh tranh, kinh nghiệm sẵn có về năng lượng hóa thạch và cơ hội đổi mới để xây dựng danh mục đầu tư phù hợp và linh hoạt, nhằm ứng phó với những biến động và xu hướng thay đổi trong tương lai,” ông nói.
Thực tế hiện nay, xu hướng chuyển dịch năng lượng dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu lỏng truyền thống (xăng, dầu diesel…) do sự phát triển các loại nhiên liệu sạch và các phương tiện giao thông tiên tiến như xe điện và xe điện dùng pin nhiên liệu…, từ đó tăng dần nhu cầu các loại nhiên liệu mới như nhiên liệu sinh học và hydrogen.
Vì vậy, để đón đầu sự phát triển này, đại diện Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất các nhà máy lọc dầu có thể phát triển sản phẩm hydrogen sạch để cung cấp ra thị trường khi có nhu cầu. Nguồn hydrogen này có thể là hydrogen thu hồi từ các phân xưởng sản xuất hydrogen trong nhà máy kết hợp với các giải pháp thu hồi và tồn trữ CO2 (CCS) hoặc từ các nguồn hydrogen sản xuất từ năng lượng tái tạo tích hợp với nhà máy lọc dầu.
Ngoài ra, dưới tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng, lĩnh vực dịch vụ dầu khí chịu tác động từ hoạt động của các đơn vị thuộc khâu khác, do đó các đơn vị trong lĩnh vực này cần phát triển các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, có thế mạnh, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu dịch vụ dầu khí trong nước và nước ngoài, đồng thời mở rộng sang các dịch vụ hướng đến/cung cấp cho ngành năng lượng tái tạo (theo dự kiến phát triển mạnh trong tương lai) như điện gió, điện Mặt Trời, hydrogen xanh, ammonia xanh…/.