Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp tại Gia Lai cũ: Đột phá từ tư duy đến hành động
Để khắc phục những điểm nghẽn kéo dài trong phát triển khu – cụm công nghiệp tại Gia Lai cũ cần có bước chuyển mình toàn diện trong cách tiếp cận, quy hoạch và vận hành khu công nghiệp.
LỜI TÒA SOẠN:
Gia Lai phấn đấu đến năm 2030 hình thành 31 CCN, hình thành nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái tạo nền tảng để đưa tỉnh trở thành một hình mẫu trong phát triển công nghiệp-nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn.
Dự kiến trong năm 2025, Gia Lai sẽ khởi công xây dựng 4 cụm công nghiệp tại các huyện Đak Đoa, Ia Grai, Mang Yang và Đak Pơ. Gia Lai cũng đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa Khu công nghiệp Nam Pleiku (huyện Chư Sê) vào khai thác.
Tiếp theo tuyến bài về phát triển bền vững tỉnh Gia Lai, bài viết thứ 3 của TS, LS, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec; Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tập trung vào phân tích, định hướng tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình khu công nghiệp tại tỉnh Gia Lai.


Để khắc phục những điểm nghẽn kéo dài trong phát triển khu – cụm công nghiệp tại Gia Lai cũ, đồng thời tạo ra một làn sóng thu hút đầu tư mới, tỉnh cần có bước chuyển mình toàn diện trong cách tiếp cận, quy hoạch và vận hành khu công nghiệp. Việc tái cấu trúc hệ sinh thái công nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở ba mục tiêu cốt lõi:
Thứ nhất, tái định hình toàn bộ hệ thống khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) hiện hữu theo mô hình “mở – thị trường – thông minh – xanh”. Đây là mô hình công nghiệp hiện đại, phù hợp với xu thế toàn cầu, trong đó khu công nghiệp không còn đơn thuần là nơi tập trung nhà máy, mà trở thành không gian mở cho đổi mới sáng tạo, số hóa quản trị, chia sẻ hạ tầng dùng chung, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp các KCN tại Gia Lai nâng cao sức cạnh tranh và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, các KCN mới phải thực sự trở thành công cụ phát triển các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, ưu tiên cao nhất là công nghiệp chế biến chuyên sâu nông – lâm sản (gắn với vùng nguyên liệu lớn như cà phê, tiêu, cao su, điều, gỗ), phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen xanh) dựa trên đặc điểm khí hậu cao nguyên khô ráo, và công nghiệp phụ trợ (sản xuất vật liệu sinh học, bao bì, thiết bị phụ trợ nông nghiệp, chế biến thực phẩm chức năng…). Khu công nghiệp không chỉ là nơi đặt nhà máy, mà cần tích hợp chuỗi giá trị ngành hàng, từ sơ chế đến sản xuất cao cấp, từ logistics đến nghiên cứu – phát triển.
Thứ ba, tỉnh cần đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu suất sử dụng đất công nghiệp. Đây không chỉ là một chỉ tiêu về hiệu quả sử dụng tài nguyên, mà còn là thước đo cho tính thực chất của các khu công nghiệp. Để đạt được điều này, Gia Lai phải kiên quyết loại bỏ dự án "treo", quy hoạch thiếu khả thi, và chuyển đổi đất đai sang các mô hình sử dụng hiệu quả hơn, với sự tham gia của các nhà phát triển hạ tầng chuyên nghiệp và tư nhân có năng lực.
Ba mục tiêu trên không chỉ định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp Gia Lai trong thập kỷ tới, mà còn là lời cam kết về sự đổi mới tư duy – từ mô hình cũ, thụ động, kém hiệu quả sang mô hình chủ động, bền vững và gắn với thị trường thực tế. Đây là tiền đề để xây dựng một nền công nghiệp có bản sắc, phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội của tỉnh và hội nhập sâu với chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu.

Để khắc phục các điểm nghẽn tồn tại trong mô hình công nghiệp cũ và tạo ra một làn sóng thu hút đầu tư mới mang tính bền vững, Gia Lai cần triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp đột phá sau:
1. Tái quy hoạch có chọn lọc theo trục kết nối và chuỗi ngành
Trước tiên, Gia Lai cần tiến hành rà soát toàn diện các khu – cụm công nghiệp hiện hữu. Những khu công nghiệp không có lợi thế về vị trí địa lý, không nằm trên các trục giao thông chiến lược, hoặc thiếu liên kết với ngành công nghiệp lõi (chế biến, năng lượng, công nghiệp phụ trợ) nên được chuyển đổi chức năng thành cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Các khu này có thể tái sử dụng cho các mục tiêu hỗ trợ như: sơ chế nông sản, logistics địa phương, trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao.
Quan trọng hơn, vai trò phát triển và vận hành hạ tầng khu công nghiệp cần được chuyển giao cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, thông qua hình thức đấu thầu minh bạch hoặc chuyển nhượng có điều kiện. Mô hình PPP (đối tác công – tư) nên được áp dụng linh hoạt: nhà nước đảm nhận khâu giải phóng mặt bằng, quy hoạch tổng thể và cấp phép đầu tư, trong khi doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm đầu tư kỹ thuật, hạ tầng và vận hành.
2. Ban hành cơ chế ưu đãi có tính cạnh tranh vùng
Bên cạnh hạ tầng, cơ chế chính sách là yếu tố quyết định để Gia Lai có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Cần mạnh dạn triển khai gói ưu đãi đầu tư đặc biệt tại các KCN đã được tái cơ cấu, cụ thể: Miễn tiền thuê đất 15–20 năm đối với các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến sâu hoặc sản xuất năng lượng tái tạo – tiết kiệm – sạch; Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm dành cho doanh nghiệp sử dụng trên 50% lao động tại chỗ và có liên kết hợp tác chuỗi vùng nguyên liệu tại địa phương (ví dụ: cà phê, tiêu, dược liệu…). Triển khai cơ chế “một cửa nhanh – minh bạch” trong cấp phép đầu tư, đăng ký môi trường và tiếp cận đất đai, kết hợp chuyển đổi toàn bộ quy trình sang nền tảng điện tử, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
3. Đồng bộ hạ tầng logistics – số hóa quản lý khu công nghiệp
Phát triển khu công nghiệp không thể tách rời mạng lưới hạ tầng kết nối và hậu cần. Gia Lai cần chuyển chiến lược đầu tư hạ tầng từ “phân tán” sang “tập trung trục động lực”:
Ưu tiên đầu tư nâng cấp Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 và cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – cửa khẩu Lệ Thanh kết nối hiệu quả các KCN với cảng biển, cửa khẩu và các trung tâm tiêu thụ lớn.
Xây dựng Trung tâm điều hành KCN thông minh có khả năng số hóa toàn bộ chuỗi hoạt động: từ quy hoạch, cấp phép, kiểm tra đầu tư – vận hành, đến báo cáo môi trường và liên kết thị trường đầu ra.
Đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics: trung tâm kho vận, logistics lạnh, trung chuyển nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhà đầu tư.
4. Chuyển đổi phương thức xúc tiến đầu tư – từ bị động sang chủ động tạo đơn hàng
Khác với cách làm cũ – chờ nhà đầu tư tự tìm đến – Gia Lai cần chủ động kêu gọi đầu tư với một chiến lược xúc tiến đầu tư bài bản:
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh cần xây dựng bộ hồ sơ gọi vốn chuyên sâu theo từng ngành nghề cụ thể, ví dụ: “KCN chế biến công nghệ cao”, “KCN chuyên năng lượng sinh học”, hoặc “KCN công nghiệp phụ trợ cho ngành dược phẩm”,…; Đồng thời chủ động tiếp cận các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, thực phẩm, năng lượng sạch (Lavie, CJ, Nafoods, Fuji Electric…) để giới thiệu tiềm năng và xây dựng giải pháp hợp tác “đo ni đóng giày”.
Thiết lập cơ chế “CEO đồng hành cùng doanh nghiệp”, nơi lãnh đạo địa phương trực tiếp cam kết tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện đầu tư thuận lợi.
5. Triển khai các dự án mẫu – tạo hiệu ứng lan tỏa theo mô hình hạt nhân
Gia Lai cần lựa chọn một vài KCN trọng điểm có vị trí kết nối thuận lợi, hạ tầng tốt, và tiềm năng ngành rõ nét để xây dựng dự án mẫu. Đây sẽ là nơi đặt nhà máy tiên phong của các doanh nghiệp đầu đàn – tạo vai trò hạt nhân lan tỏa, thu hút các doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng. Khi có dự án dẫn dắt hoạt động hiệu quả, được hỗ trợ bằng chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực địa phương được đào tạo bài bản và hạ tầng logistics hoàn chỉnh, sẽ hình thành một hệ sinh thái đầu tư bền vững, có khả năng nhân rộng sang các khu vực khác trong tỉnh.

Với việc triển khai đồng bộ năm đột phá chiến lược và tái cấu trúc toàn diện hệ sinh thái công nghiệp, Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trung tâm công nghiệp xanh – thông minh của khu vực Tây Nguyên. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp (KCN) được tái cơ cấu cần đạt tối thiểu 70%, nhờ vào việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối tốt với hệ thống logistics và tích hợp số hóa trong quản lý. Tỉnh cũng kỳ vọng sẽ hình thành từ 3 đến 5 KCN trọng điểm có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến sâu nông – lâm sản, năng lượng tái tạo và công nghiệp phụ trợ. Một mục tiêu quan trọng khác là nâng tỷ lệ giá trị chế biến chuyên sâu trong ngành nông – lâm sản từ dưới 20% hiện nay lên tối thiểu 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô.
Song song, Gia Lai hướng tới việc xây dựng mạng lưới hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp trong KCN và chuỗi cung ứng nguyên liệu địa phương, với ít nhất 60% doanh nghiệp có liên kết thực chất với nông dân, hợp tác xã và vùng nguyên liệu. Về nguồn nhân lực, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo và thu hút trên 30.000 lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đại. Cuối cùng, 100% các KCN trọng điểm sẽ áp dụng mô hình quản lý thông minh – số hóa toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, minh bạch dữ liệu và gia tăng độ tin cậy đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điểm nghẽn lớn nhất không phải là thiếu đất, mà là thiếu hạ tầng đúng chuẩn và tư duy thị trường. Gia Lai cần dứt khoát chuyển giao vai trò đầu tư hạ tầng KCN từ các tập đoàn “hữu danh vô thực” sang các nhà phát triển chuyên nghiệp. Song song, phải tái định hình cách kêu gọi đầu tư, gắn hạ tầng với ngành công nghiệp lõi, và xây dựng nền tảng quản lý KCN số hóa – minh bạch – năng động.
Luật sư - Tiến sĩ – Doanh nhân Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec
Ủy viên Hội đồng Biên tậpTạp chí Kinh tế Môi trường