Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện

Thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, nâng cao năng lực phục vụ, phát huy giá trị tài liệu, tài nguyên thông tin.

Cán bộ Thư viện tỉnh Sơn La thực hiện số hóa các tài liệu.

Cán bộ Thư viện tỉnh Sơn La thực hiện số hóa các tài liệu.

Bà Hồ Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La, cho biết: Năm 2023, Thư viện tỉnh được cấp 2,5 tỷ đồng thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ nguồn kinh phí này, Thư viện tỉnh đã đầu tư máy tính, máy in, máy scan và nâng cấp phần mềm, đường truyền internet, cùng một số thiết bị phục vụ bạn đọc. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh thu hút từ 900.000 đến 1 triệu lượt truy cập.

Thư viện tỉnh đang ứng dụng các phần mềm, như: “Thư viện điện tử Libd 6.0”; “Thư viện số Liboldigtal 6.0; duy trì website https://thuviensonla.com.vn phục vụ công tác chuyên môn, phục vụ bạn đọc, với 1.305 tài liệu được số hóa là các đầu sách, truyện, chữ Thái cổ, với tổng 251.162 trang và hàng trăm video, audio về các tài liệu, tạp chí, sách, báo... Bên cạnh đó, Thư viện đang có trên 230.000 bản sách, báo, tạp chí; hàng năm bổ sung từ 14.000-14.500 bản sách, 220-250 đầu báo, tạp chí phục vụ cho trên 4.000 bạn đọc. Đồng thời, thực hiện số hóa nội dung các tài liệu, đầu sách thành dạng trình chiếu, video trên website của thư viện; tích hợp mã QR code cho các tài liệu để bạn đọc dễ dàng tra cứu nhanh chóng, thuận tiện.

Nhờ triển khai đồng bộ các phần mềm ứng dụng CNTT trong hoạt động, nên bạn đọc tiếp cận dễ dàng với các tài liệu theo nhu cầu, như những tác phẩm văn học, công trình nghiên cứu khoa học, kiến thức khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội và tư liệu học tập cho tất cả các môn học các cấp học.

Chị Lã Thị Phương Thúy, tổ 4, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Tôi thường xuyên tới Thư viện tỉnh để tìm kiếm các cuốn sách phục vụ cho công việc và nhu cầu giải trí. Nhờ việc số hóa các tài liệu đã giúp tôi dễ dàng tìm kiếm các đầu sách, chủ động bất cứ thời gian, địa điểm nào.

Với mục tiêu số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin, Thư viện tỉnh tiếp tục ưu tiên số hóa các tài liệu địa chí, sách cổ, tài liệu quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của tỉnh Sơn La, dự kiến từ 150.000-200.000 trang được số hóa. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực chuyển đổi số, sử dụng và quản trị thư viện điện tử, thư viện số cho cán bộ trong hệ thống thư viện về kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện điện tử; kiểm tra, quản lý các đầu sách, các thư viện trong toàn tỉnh bằng hệ thống thông tin điện tử.

Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu nghiệp vụ, từng bước phát triển thư viện điện tử, thư viện số tiên tiến, hiện đại, có khả năng chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, thúc đẩy việc đọc sách theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

Đức Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-thu-vien-VNec779VR.html